Chờ...

EU tăng 40% nhập khẩu LNG Nga trong 7 tháng

VOH - Trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khí tự nhiên hóa lỏng mà EU nhập khẩu từ Nga tăng 40% so với cùng kỳ 2022.

Liên minh châu Âu (EU) đã nhập 22 triệu m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga trong 7 tháng đầu năm, tương đương 1/2 lượng LNG Nga trên thị trường. Trong khi 7 tháng đầu năm 2022, EU chỉ nhập 15 triệu m3 LNG Nga.

LNG Nga chiếm khoảng 16% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu này của EU trong 7 tháng đầu năm, trị giá gần 5,8 tỷ USD.

Số liệu trên do tổ chức phi chính phủ Global Witness có văn phòng tại Anh và Mỹ công bố, từ phân tích dữ liệu của công ty theo dõi lưu lượng hàng hải và tàu chở dầu Kpler, trụ sở ở Bỉ.

EU tăng 40% nhập khẩu LNG Nga trong 7 tháng 1
Tàu Nikolay Urvantsev vận chuyển LNG của Nga cập cảng Bilbao, Tây Ban Nha - Ảnh: Reuters

Tây Ban Nha và Bỉ trở thành khách hàng nhập khẩu LNG lớn thứ hai và thứ ba của Nga, lần lượt chiếm 18% và 17% tổng xuất khẩu của Moskva, chỉ sau Trung Quốc chiếm 20%.

Hai quốc gia này cho hay, những dữ liệu trên không phản ánh sức mua của quốc gia, mà thực tế các cảng ở hai nước này đóng vai trò phân phối LNG cho khối.

Tại Bỉ, cảng Zeebrugge và Antwerp là cửa ngõ tới 18 thị trường EU, trong đó có Pháp và Đức. Phần lớn LNG ở Bỉ được xuất sang các nước láng giềng. Theo dữ liệu của chính phủ, chỉ 2,8% lượng khí đốt tiêu thụ ở Bỉ là của Nga.

EU đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng do nguồn cung khan hiếm, giá khí đốt tăng cao trong năm 2022, sau khi Moskva ngừng nguồn cung khí đốt bằng đường ống cho châu Âu bởi ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine.

EU cũng nỗ lực cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự tại Ukraine, dòng khí đốt của Nga chảy qua đường ống châu Âu đã giảm xuống mức thấp lịch sử.

Tuy nhiên, để lấp đầy kho dự trữ, các lô hàng LNG từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Nga, đã tăng mạnh và không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt nào của EU.

Ông Jonathan Noronha-Gant, nhà vận động cấp cao về nhiên liệu hóa thạch của tổ chức chống tham nhũng Global Witness, cho biết: “Các nước EU đang mua phần lớn nguồn cung LNG của Nga, trở thành một trong những nguồn thu quan trọng nhất của Điện Kremlin”.

Theo ông Jonathan Noronha-Gant: “Mua khí đốt của Nga có tác động tương tự như mua dầu của Nga. Cả hai đều giúp tăng doanh thu cho Moskva. Dù lên án cuộc xung đột, các nước châu Âu lại đang rót tiền vào túi Nga”.

Bình luận