Chờ...

FED tiếp tục tăng lãi suất

(VOB) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất vay ngắn hạn thêm 0,75 điểm phần trăm, nâng phạm vi lãi suất mục tiêu lên mức 3,75% đến 4%, trong nỗ lực ngăn chặn lạm phát.

Đây là đợt nâng lãi suất thứ sáu liên tiếp của FED trong chu kỳ thắt chặt bắt đầu từ tháng 3 năm nay và là lần nâng thứ tư với mức 0,75 điểm phần trăm.

Khi Fed tăng phạm vi lãi suất cơ bản, lãi suất đối với các khoản thế chấp, thẻ tín dụng và các khoản vay khác cũng tăng theo. Chi phí đi vay cao hơn có xu hướng làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế do các hộ gia đình và doanh nghiệp có ít tiền hơn để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ. Lần tăng lãi suất mới nhất của Fed sẽ gây thêm áp lực tài chính lớn hơn đối với nền kinh tế Mỹ mà một số chuyên gia tin rằng đang trên đà suy thoái.

FED tiếp tục tăng lãi suất 1
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ở thủ đô Washington, DC (Mỹ)

Việc Fed tăng lãi suất nhanh chóng đã khiến doanh số bán nhà giảm mạnh và thúc đẩy các doanh nghiệp rút lại kế hoạch đầu tư, hai yếu tố chính có thể làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.  Lãi suất cao hơn của Fed cũng làm tăng thêm bất ổn kinh tế ở nước ngoài, điều này có thể ảnh hưởng đến nước Mỹ. Mặc dù vậy, lạm phát vẫn ở mức cao do thị trường việc làm mạnh mẽ của Mỹ giúp hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng và các cú sốc về nguồn cung - đặc biệt là xung đột ở Ukraine - đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu lên cao hơn.

Xem thêm: Tin thế giới sáng 03/11: Hàn Quốc "đáp trả" Triều Tiên; Nga nối lại thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine

Sau thông báo của FED, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ tăng đột biến. Lợi tức đối với chứng khoán Kho bạc Mỹ, vốn đã giảm mạnh sau, đã tăng cao hơn sau thông báo này. Trái phiếu kỳ hạn 2 năm là kỳ hạn trái phiếu nhạy cảm nhất với kỳ vọng chính sách của FED, đã tăng 6 điểm cơ bản lên khoảng 4,61%.

Việc Fed nâng lãi suất không chỉ có tác động đến kinh tế nước này, mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác. Nguyên nhân là việc này có thể làm thay đổi dòng chảy đầu tư toàn cầu, khiến dòng vốn rời các nước nghèo để chảy sang Mỹ. Việc này sẽ kéo giá đôla Mỹ lên và đẩy giá các đồng tiền khác xuống.  Để bảo vệ nội tệ, các nước này có thể cũng sẽ nâng lãi suất theo, gây ra hệ quả như kéo tụt tăng trưởng, xóa sổ nhiều việc làm và doanh nghiệp ngại đi vay. Các chính phủ mắc nợ cũng sẽ phải chi nhiều hơn cho việc trả nợ, từ đó ảnh hưởng đến ngân sách cho những việc như chống dịch hay xóa đói giảm nghèo.

 

Bình luận