Nikkei Asia đưa tin, các trường mầm non tại Trung Quốc đang phải vật lộn để có thể lấp đầy các lớp học trước thềm năm học mới 2024 - 2025. Trái ngược với trước đây, các bậc phụ huynh phải xếp hàng dài, thậm chí xếp hàng từ đêm để xin cho con được theo học tại những trường hàng đầu.
Một thống kê gần đây của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy số lượng trường mẫu giáo tại nước này đã giảm 20.000 trường. Từ 294.832 trường được ghi nhận năm 2021 còn 274.480 trường được ghi nhận năm 2023.
Số lượng trường mầm non đóng cửa vào mức “khủng” trong năm 2023 cũng dẫn đến mất đi hơn 170.000 việc làm của các giáo viên mầm non toàn thời gian tại Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia, số lượng trường mầm non giảm kéo theo học phí của các học sinh ở cấp học này tăng theo.
Các chuyên gia kinh tế nhận định bối cảnh số lượng trẻ em ít dần, nhiều trường mầm non phải đóng cửa và những phụ huynh khác đang loay hoay tìm trường cho con đã và đang tạo ra tác động tiêu cực đối với lực lượng lao động vốn đang thu hẹp của Trung Quốc.
Trung Quốc chỉ vừa ban hành chính sách khuyến khích sinh con từ năm 2021. Do đó, còn quá sớm để đánh giá tác động của các biện pháp giải quyết tỷ lệ sinh thấp, theo nhận định của Yuki Katayama, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI có trụ sở tại Tokyo.
Tuy nhiên, bà Katayama cảnh báo Trung Quốc có thể mắc sai lầm tương tự như Nhật Bản - một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới, khi chỉ tập trung ưu tiên chăm sóc người già nhưng trì hoãn các chính sách chăm sóc trẻ em.
Hiện các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tìm cách tháo gỡ tình trạng tỉ lệ sinh suy giảm, bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cặp đôi kết hôn, và áp dụng những điều kiện khó khăn hơn trong việc ly hôn.