Chờ...

Giảm phụ thuộc Trung Quốc, Nhật Bản tìm khoáng sản quan trọng ở châu Phi

VOH - Nikkei Asia đưa tin, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch hợp tác với 3 quốc gia châu Phi, để phát triển chuỗi cung ứng khoáng chất quan trọng trong sản xuất pin xe điện.

Ba quốc gia là Zambia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Namibia. Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động thăm dò chung ở mỗi quốc gia. Công việc sẽ bắt đầu ngay trong năm nay.

Nhật Bản đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung khoáng sản quan trọng, bao gồm cả lithium, nhằm tăng cường an ninh kinh tế, và chống lại rủi ro ngày càng tăng khi phụ thuộc vào Trung Quốc.

Sản xuất pin xe điện không thể thiếu các khoáng sản quan trọng - Ảnh: Car Expert
Sản xuất pin xe điện không thể thiếu các khoáng sản quan trọng - Ảnh: Car Expert

Tổ chức An ninh Năng lượng và Kim loại Nhật Bản, đơn vị khai thác tài nguyên thuộc sở hữu nhà nước, dự định sẽ sớm ký biên bản ghi nhớ với Zambia. Họ cũng sẽ sớm hoàn thiện kế hoạch làm việc với Congo và Namibia, dựa trên thỏa thuận sơ bộ đạt được với 2 nước.

Ông Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết vào thứ ba 1/8, ông sẽ thăm 3 quốc gia trên, cùng với Angola và Madagascar. Chuyến công du châu Phi này kéo dài 8 ngày, kết thúc vào hôm 13/8. Ký biên bản ghi nhớ và các thỏa thuận khác, là 1 phần của cuộc hành trình.

Mặc dù doanh nghiệp Nhật có hoạt động ở Zambia, Congo và Namibia, nhưng không công ty tư nhân nào tham gia vào bất kỳ dự khai thác khoáng sản nào. Một nỗ lực do chính phủ hỗ trợ, được coi là giúp thu hút đầu tư tư nhân.

Nhật Bản và Zambia sẽ bắt đầu tìm kiếm và khai thác, từ coban đến niken. Zambia sẽ được hỗ trợ công nghệ viễn thám tiên tiến, để xác định vị trí các mỏ tiềm năng bằng vệ tinh.

Nhật Bản cũng sẽ tổ chức 1 hội nghị với các doanh nghiệp tư nhân, nhằm thúc đẩy đầu tư khai thác mỏ vào châu Phi. Các công ty như Nissan Motor và Hanwa dự kiến sẽ tham dự.

Tại Congo, đồng và lithium là mục tiêu thăm dò. Một trung tâm viễn thám đang được xây dựng với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Nhật Bản sẽ giúp đào tạo người dân địa phương về công nghệ.

Tại Namibia, Nhật Bản có kế hoạch làm việc với Epangelo, công ty khai thác thuộc sở hữu nhà nước, nhằm củng cố chuỗi cung ứng đất hiếm và các khoáng sản khác.

Mặc dù Namibia nhiều tài nguyên kẽm hay đồng, nhưng chuỗi cung ứng từ nước này vẫn chưa phát triển. Tuy nhiên, Namibia có 1 cảng lớn, giúp họ trở thành trung tâm xuất khẩu của châu Phi.

Nhật Bản muốn khai thác các mỏ ở châu Phi ngay từ giai đoạn đầu, với mục tiêu nhập khẩu những tài nguyên này. Tokyo hy vọng thiết lập quan hệ sâu sắc hơn với 3 quốc gia trên, để xây dựng chuỗi cung ứng ổn định.

Hiện nay trên thế giới, nhu cầu đang ngày càng tăng đối với khoáng chất như coban và niken, vì chúng được dùng để sản xuất pin xe điện. Hiện Congo đóng góp tới 70% nguồn cung coban trên toàn cầu. Châu Phi cũng là nguồn cung đồng thau quan trọng.

Doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mạnh vào châu Phi từ nhiều năm qua, đặc biệt là ở Congo. Do đó, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng thị phần, trong việc nhập khẩu các khoáng chất quan trọng từ lục địa này.

Nếu Trung Quốc hạn chế xuất khẩu khoáng sản để đối phó với Mỹ, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới Nhật và cả EU.

Mỹ, Nhật và EU phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc trong việc nhập khẩu các khoáng chất quan trọng. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 tháng 5/2023 ở Hiroshima, các lãnh đạo đã đồng ý trong thông cáo chung, là khuyến khích hợp tác với những quốc gia đang phát triển, để đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng.

Bình luận