Chờ...

Hạn hán ở Iraq nâng một thành phố 3.400 tuổi từng bị nhấn chìm lên khỏi mặt nước

(VOH) - Hạn hán trong nhiều tháng qua đã buộc cư dân của vùng Mosul ở Iraq phải sử dụng nước trong một hồ chứa. Và khi nước trong hồ cạn, đã để lộ ra những gì còn sót lại của một thành phố.

Các công sự, tòa nhà và những ghi chép tại đây đã đưa các nhà khảo cổ học đi từ khám phá này đến khám phá khác.

Nếu Châu Phi được biết đến như là “cái nôi của loài người” thì chính ở Trung Đông, người ta đã tìm thấy những dấu vết lâu đời nhất về nông nghiệp, chữ viết và quy hoạch thị trấn. Như Futura Sciences đưa tin hôm thứ Tư 1/6, các nhà khảo cổ đã vừa khai quật được những gì còn sót lại của một thành phố ba nghìn năm tuổi gần Mosul, Iraq.

Hạn hán ở Iraq nâng một thành phố 3.400 tuổi từng bị nhấn chìm lên khỏi mặt nước 1
Địa điểm Kemune, gần Mosul, phía bắc Iraq. Ảnh chụp lại từ Twitter của Đại học Tübingen

Đầu năm nay, Iraq trải qua thời kỳ hạn hán nghiêm trọng. Đến mức, người dân địa phương ở phía bắc phải sớm giảm bớt việc sử dụng nước ở hồ chứa lớn nhất cả nước tại Kemune, cách Mosul khoảng 80 km. Tuy vậy, sau một vài tháng, nguồn dự trữ đã được sử dụng hết.

Và phần còn lại của một thành phố cổ bị biến mất dưới nước cách đây 42 năm tính tại thời điểm hồ chứa được xây dựng là năm 1980, đã được tái hiện lại. Nếu trong đợt nắng nóng đầu tiên vào năm 2018 và 2019, các nhà khảo cổ đã không thể thực hiện một khám phá đủ sâu, thì lần này sẽ có rất nhiều điều để khám phá lại. Và tất nhiên họ đã không bỏ lỡ cơ hội mới do hiện tượng nóng lên toàn cầu mang lại.

Thành phố bị hạn hán làm cho lộ diện này được xác định là đã 3.400 tuổi. Các nhà khảo cổ người Đức và người Kurd được cử đến địa điểm này tin rằng thành phố được xây dựng trên sông Tigris có thể tương ứng với Zakhiku, một thành phố quan trọng của đế chế Mittani đã thống trị khu vực vào giữa thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên.

Trong số những phát hiện tại địa điểm trên được xác định bởi các chuyên gia, có một cung điện cùng với các công sự bảo vệ cao và dày mà tháp và tường vẫn còn nhìn rõ hình dáng.

Ngoài ra còn có một nhà kho lưu trữ. Đáng chú ý hơn cả là nhà kho này có chứa 5 thùng gốm với hơn 100 viên đất sét được bao phủ bởi các ký tự hình nêm, tạp chí Khoa học & Đời sống (Science & Vie) nêu rõ.

Khả năng chống chịu của các bức tường bùn cũng khiến các chuyên gia kinh ngạc. Không còn gì để nghi ngờ khi vật liệu này đã giải thích mức độ bảo tồn đặc biệt của nơi đây.

Trước đó, một trận động đất đã tàn phá thành phố này vào khoảng năm 1350 trước Công nguyên khiến nơi đây bị vùi lấp. Sự rung chuyển trong trận động đất làm các phần phía trên của thành lũy đổ xuống và bao trùm các phần phía dưới, tạo thành một sự vùi lấp bảo vệ toàn bộ phần di tích còn lại.

Thời điểm suy tàn của Zakhiku là trùng với Đế chế Mittani. Hơn nữa, những gì đang sót lại giữa những tàn tích này sẽ giúp các nhà nghiên cứu có được ý tưởng rõ ràng hơn về sự sụp đổ của vương quốc, được cho là đã bị đánh bại bởi đối thủ hùng mạnh người Assyria, nhờ vào đống đổ nát của thành phố được khám phá lại.

Bình luận