Chờ...

Hàn Quốc không còn an toàn trước động đất

(VOH) - Hàn Quốc vốn nằm trên mảng Á-Âu tương đối ổn định, thường được coi là an toàn trước động đất. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng đây không còn là khu vực an toàn nữa.

Lý do được đưa ra là ngày càng có nhiều trận động đất được phát hiện trong những năm gần đây, những thay đổi về địa chất khiến Hàn Quốc dễ bị tổn thương hơn trước các trận động đất lớn xảy ra ở các khu vực lân cận…

Theo báo cáo của Cục Khí tượng Hàn Quốc, nước này đã phát hiện tổng cộng 77 trận động đất có cường độ trên 2 độ richter vào năm ngoái, tăng 10% so với năm 2021. Trong đó, quốc gia này đã hứng chịu 8 trận động đất trên 3 độ richter - cấp độ mà mọi người bắt đầu cảm thấy động đất nhưng ít thiệt hại.

động đất
Nhân viên Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc theo dõi tác động của trận động đất 3,9 độ richter xảy ra ở Ganghwa, phía tây Seoul vào ngày 9/1. (KMA)

Ông Hong Tae-kyung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hệ thống Trái đất và Giáo sư Khoa học Hệ thống Trái đất của Đại học Yonsei cho biết, bán đảo Triều Tiên đã bị rung chuyển bởi trận động đất và sóng thần Tohoku năm 2011, khiến hơn 15.000 thiệt mạng và hậu quả thảm khốc.

“Trận động đất Tohoku năm 2011 đã kéo Bán đảo Triều Tiên về phía Nhật Bản, kéo dài bán đảo khoảng 3 cm từ đông sang tây. Điều này có nghĩa là Bán đảo Triều Tiên đã trở thành một vùng đất lỏng lẻo, hay nói cách khác, một vùng đất cần ít lực hơn so với trước đây để xảy ra động đất", Hong giải thích.

Ông Hong nói: “Xác suất xảy ra động đất không thay đổi, nhưng tình hình mặt đất ở Hàn Quốc đã thay đổi do trận động đất lớn, và chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hàn Quốc vẫn còn thiếu các nghiên cứu cơ bản và các biện pháp đối phó để bảo vệ người dân khỏi động đất. Do đó cần điều tra địa chất kỹ lưỡng, lên kế hoạch gia cố chống chấn và công nghệ giám sát.

Cho Won-cheol, giáo sư kỹ thuật dân dụng tại Đại học Yonsei cho biết, nên tiến hành điều tra địa chất để tìm ra vị trí và số lượng các đứt gãy nhằm bảo vệ người dân khỏi động đất một cách hiệu quả: “Nhiều quốc gia khác đã bắt đầu điều tra đứt gãy - nơi hầu hết các trận động đất xảy ra. Sẽ tốn rất nhiều ngân sách, nhưng chúng ta nên coi đó là một khoản đầu tư để ngăn ngừa thiệt hại lớn trong tương lai".

Giáo sư Kim của Đại học Pukyong cho rằng: “Công trình chống động đất là biện pháp đối phó tiêu biểu nhất mà mọi người nghĩ đến, sẽ không có tác dụng gì nếu mặt đất bị nứt ra trong trường hợp xảy ra động đất lớn. Tránh những khu vực nguy hiểm ngay từ đầu là cách hiệu quả", ông Kim nói.

Tại Hàn Quốc, các cơ sở cũ chiếm hơn 80% cơ sở vật chất của quốc gia, được xây dựng vào thời điểm không có quy định về xây dựng chống động đất, và các tòa nhà xây thông thường nếu không được gia cố sẽ sụp đổ trong một trận động đất mạnh bằng một nửa trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Giáo sư Kim cho biết, hiện vẫn chưa có công nghệ dự báo động đất mà chỉ có cảnh báo sớm - khi phát hiện rung động đầu tiên lan truyền do động đất gây ra và chính quyền sẽ cảnh báo người dân sơ tán ngay trước đó vài giây đến vài phút.

Theo ông, quốc gia này nên nỗ lực cải thiện các kỹ thuật dự đoán động đất bằng cách theo dõi những thay đổi nhỏ của nước ngầm hoặc khí đốt dưới lòng đất…

Bình luận