Chờ...

Hàn Quốc phóng thành công vệ tinh do thám quân sự đầu tiên

VOH - Sau Triều Tiên, nay đến lượt Hàn Quốc phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên. Nước này đặt mục tiêu giám sát 24/24 toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này đã được phóng thành công bằng tên lửa đẩy Falcon 9 của công ty vũ trụ SpaceX từ căn cứ Vanderberg ở bang California (Mỹ).

Tên lửa Falcon 9 đã rời bệ phóng vào lúc 10h19 ngày 1/12 (giờ địa phương, tức 1h19 ngày 2/12 theo giờ Hà Nội) và thành công đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Chưa đầy một giờ sau khi phóng, vệ tinh đã "thiết lập trao đổi thông tin thành công với các trạm thu tín hiệu ở nước ngoài", Hàn Quốc tuyên bố. 

Theo hãng tin Yonhap, vệ tinh của Hàn Quốc sẽ hoạt động ở quỹ đạo cách Trái Đất 400-600 km, có khả năng phát hiện vật thể nhỏ tới 30 cm. “Tính tới độ phân giải và khả năng giám sát Trái Đất… công nghệ vệ tinh của chúng tôi đứng trong nhóm 5 quốc gia hàng đầu trên toàn cầu”, Yonhap dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc.

“Với việc phóng thành công vệ tinh quân sự này, quân đội của chúng tôi đã đảm bảo được khả năng tình báo, giám sát và trinh sát độc lập", trích thông cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Cơ quan này cũng khẳng định sẽ tối đa hóa khả năng hoạt động của các vệ tinh để đạt được lợi thế vượt trội trong cuộc cạnh tranh với Triều Tiên. 

Hàn Quốc phóng thành công vệ tinh do thám quân sự đầu tiên
Tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của Hàn Quốc rời bệ phóng từ California (Mỹ), ngày 1/12/2023 - Ảnh: FMT

Trước đó vào tháng 5, Hàn Quốc từng lên kế hoạch sử dụng tên lửa Nuri do nước này sản xuất để đưa vệ tinh vào không gian, tuy nhiên sau đó đã quyết định phối hợp với công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Mỹ để thực hiện nhiệm vụ này. 

Đây là vệ tinh đầu tiên trong tổng số 5 vệ tinh do thám của Hàn Quốc được đưa vào không gian từ đây đến năm 2025 theo hợp đồng ký kết với SpaceX, trong nỗ lực hoàn thành mục tiêu của nước này giám sát 24/24 toàn bộ bán đảo Triều Tiên. 

Bình luận