Chờ...

Không bóng râm, không nước và nắng nóng kỷ lục: Nhiều người di cư chết trên sa mạc Mỹ

VOH - Trong 12 tháng qua tính đến tháng 9/2023, Mỹ đã ghi nhận 60 trường hợp người di cư tử vong do nắng nóng ở Khu vực El Paso, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực này trải dài từ sa mạc Chihuahuan qua New Mexico và một phần của Texas dọc theo 431 km biên giới. Đây là khu vực ‘bận rộn nhất’ đối với những người di cư vượt biên vào phía Tây Nam Mỹ

Những người ủng hộ người nhập cư và các học giả cho rằng, các chính sách như tăng cường hàng rào và trạm kiểm soát nhằm ngăn chặn những người có ý định vượt biên trái phép vào Mỹ đã thúc đẩy người di cư chọn những tuyến đường ngày càng nguy hiểm để tránh bị phát hiện.

Điều đó bao gồm những chuyến đi dài ngày hơn qua những sa mạc xa xôi, nơi họ dễ bị kiệt sức và mất nước.

di cư
Những chiếc thang được người di cư từ Mexico sử dụng để vào Hoa Kỳ bị bỏ lại trên sa mạc gần biên giới - Ảnh: Reuters

Người di cư cũng có thể bị những kẻ buôn người bỏ rơi mà không có nước, hoặc bị kẹt trong những chiếc xe tải oi bức. Số người chết năm 2022 tại biên giới Mỹ-Mexico đã khiến cơ quan di cư của Liên Hợp Quốc coi khu vực này là tuyến đường di cư trên đất liền nguy hiểm nhất thế giới.

Khi các hiện tượng thời tiết cực đoan được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu, những hành trình này có thể sẽ chỉ trở nên rủi ro hơn.

Xem thêm: IOM: Biên giới Mỹ-Mexico là tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới

Fernando Garcia, người đứng đầu Mạng lưới Nhân quyền Biên giới ở El Paso cho biết: “Bây giờ mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn do thời tiết… đó là một yếu tố gây thương vong bổ sung”.

Những cái chết liên quan đến nhiệt độ chỉ chiếm gần một nửa tổng số người chết vì di cư ở Khu vực El Paso trong 12 tháng qua. Trong đó có các nguyên nhân khác như tai nạn ô tô và chết đuối, tổng số người di cư tử vong đã tăng gấp đôi so với năm trước, đạt kỷ lục 148 người.

Mặc dù chưa có dữ liệu cuối cùng về số lượng người di cư ở Khu vực El Paso trong năm nay, nhưng mức độ gia tăng số người chết dường như vượt xa mức gia tăng số người qua biên giới.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) trong hai năm qua đã lắp đặt 20 "đèn hiệu cứu hộ", tương tự như tháp điện, ở các khu vực hẻo lánh của Khu vực El Paso, nơi người di cư có thể nhấn nút màu đỏ để kêu cứu.

Các biển báo bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha cảnh báo: "Bạn không thể đi đến nơi an toàn từ thời điểm này! Bạn có nguy cơ tử vong nếu không kêu cứu!".

Trung tâm kiểm soát của CBP có thể đánh giá tình hình thông qua camera trong khi cử các sĩ quan ra ngoài – quá trình di chuyển có thể mất tới vài giờ.

Thống kê cho thấy, các đặc vụ biên phòng đã thực hiện 597 cuộc giải cứu trong năm ngoái.

Bình luận