Chờ...

Khủng hoảng ở Sri Lanka và lời cảnh báo đến nhiều quốc gia

(VOH) - Sri Lanka đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, kéo theo bất ổn về chính trị - xã hội. Đây cũng là cảnh báo cho một số quốc gia có nguy cơ gặp phải tình trạng tương tự.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng: “Các quốc gia có tỷ lệ nợ cao cùng chính sách hạn chế sẽ đối mặt với nhiều căng thẳng. Không cần nhìn đâu xa xôi, Sri Lanka hiện đang là lời cảnh báo cho nhiều nước.”

Theo bà Kristalina Georgieva, các quốc gia đang phát triển cũng đang gặp phải tình trạng các dòng vốn thất thoát liên tục trong vòng 4 tháng qua, khiến mong muốn bắt kịp với các nền kinh tế tiên tiến khác trở nên ngày càng xa vời.

Sri Lanka hiện đang phải “vật lộn” để chi trả cho các khoản nhập khẩu chính yếu như thực phẩm, năng lượng và thuốc men cho 22 triệu dân của mình, đồng thời phải tìm cách xử lý các khủng hoảng về ngoại hối. Lạm phát ở nước này cũng tăng phi mã lên đến 50%, trong đó giá thực phẩm tăng đến 80% so với năm ngoái. Đồng rupee của Sri Lanka cũng trượt giá thê thảm trước đồng dollar Mỹ và nhiều đơn vị tiền tệ khác trên thế giới.

Nhiều ý kiến chỉ trích cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vì đã thực thi nhiều chính sách không hợp lý - đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, dẫn đến hậu quả nền kinh tế Sri Lanka chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử .

Trong nhiều năm, Sri Lanka liên tục vay nợ và gánh một khoản nợ khổng lồ. Tháng trước, nước này là quốc gia đầu tiên trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong vòng 20 năm qua tuyên bố vỡ nợ đối với toàn bộ các khoản nợ từ nước ngoài.

Quan chức nước này cũng tiến hành thảo luận với IMF về khoản cứu trợ tài chính trị giá 3 tỷ USD, tuy nhiên những cuộc đàm phán này hiện đang gặp bế tắc vì những bất ổn chính trị hiện nay ở Sri Lanka.

Những vấn đề mà Sri Lanka đang gặp phải - như lạm phát tăng cao, lãi suất nhảy vọt, đồng tiền mất giá, nợ nước ngoài ở mức cao và nguồn dự trữ ngoại tệ ngày càng cạn kiệt - cũng đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Trên thực tế, hiện Trung Quốc đang là chủ nợ lớn đối với nhiều quốc gia đang phát triển; do đó quốc gia tỷ dân hoàn toàn có khả năng chi phối hoạt động của những quốc gia này theo các cách thức riêng. Tuy nhiên, điều kiện cho vay cũng như cách thức tái cơ cấu nợ của Bắc Kinh đối với các nước hiện vẫn chưa được công bố chi tiết.

Theo ông Alan Keenan - giám đốc dự án Sri Lanka của tổ chức phi chính phủ International Crisis Group (ICG), vấn đề ở đây chính là Trung Quốc đã khuyến khích và hỗ trợ các dự án hạ tầng vô cùng đắt đỏ ở các quốc gia đang phát triển, song những dự án này không mang lại hiệu quả kinh tế cao, không tạo ra lợi nhuận dẫn đến tình cảnh lãi mẹ đẻ lãi con. 

Điều đặc biệt là, Sri Lanka không phải là ví dụ duy nhất.

Khủng hoảng ở Sri Lanka và lời cảnh báo đến nhiều quốc gia
Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ trước đối với toàn bộ khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD. Ảnh: Getty Images

Lào

Lào là quốc gia nằm sâu trong đất liền ở Đông Nam Á, với hơn 7,5 triệu dân cũng đang đối mặt với những khó khăn từ các khoản vay nước ngoài trong nhiều tháng qua.

Giờ đây, khi giá nhiên liệu tăng cao trên toàn thế giới do ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, thì nguồn cung xăng dầu ở Lào cũng gặp nhiều bất lợi, kéo theo giá cả của các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm cũng tăng cao. Đây là điều vô cùng khó khăn khi 1/3 dân số Lào hiện vẫn đang có mức thu nhập thấp.

Truyền thông Lào từng đưa tin người dân xếp hàng dài để chờ mua nhiên liệu, thậm chí nhiều hộ gia đình không có khả năng thanh toán cho các chi tiêu của mình. Bên cạnh đó, đồng kip của Lào cũng sụt giảm đến hơn 30% so với đồng dollar Mỹ trong năm nay.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Lào hiện có khoảng 1,3 tỷ USD dự trữ ngoại hối tính đến tháng 12/2021. Tuy nhiên, tổng các khoản nợ nước ngoài hằng năm của Lào đến năm 2025 cũng ở con số trên - chiếm gần một nửa tổng thu nhập nội địa của nước này.

Trung Quốc đã cho Lào vay các khoản nợ khổng lồ trong vài năm gần đây để phát triển các siêu dự án như nhà máy thủy điện trên sông Mekong và tuyến đường sắt cao tốc trị giá hàng tỷ USD - một trục chính trong Con Đường Tơ Lụa Mới, nhằm nối liền Vân Nam, tỉnh phía nam Trung Quốc, với các quốc gia Đông Nam Á trên lục địa.

Theo Tân Hoa Xã, chỉ trong năm 2021, Trung Quốc đã hỗ trợ thực hiện đến 813 dự án ở Lào, với tổng giá trị lên đến hơn 16 tỷ USD.

Theo số liệu từ WB, nợ công của Lào hiện chiếm tới 88% GDP của nước này trong năm 2021, trong đó hầu như một nửa là vay từ Trung Quốc. Mặc dù vậy, các phân tích của Moody’s cũng cho rằng việc tăng cường thương mại với Trung Quốc và xuất khẩu thủy điện là những sự phát triển tích cực của kinh tế Lào. “Lào vẫn có cơ hội để tránh rơi vào vùng nguy hiểm và nước này cần một gói hỗ trợ tài chính từ quốc tế”, chuyên gia kinh tế Heron Lim nhận định.

Khủng hoảng ở Sri Lanka và lời cảnh báo đến nhiều quốc gia

Công nhân thi công trên tuyến đường sắt Vientiane - Côn Minh phía Tây Nam của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: AP

Pakistan

Tính đến cuối tháng 5/2022, giá xăng dầu ở Pakistan tăng thêm đến 90% sau khi chương trình trợ giá nhiên liệu của chính phủ kết thúc. Nước này cũng đang làm việc với IMF để tiếp tục tìm kiếm một chương trình hỗ trợ tài chính khác.

Mặt khác, kinh tế Pakistan cũng đang gặp khó với giá cả hàng hóa tăng cao. Tháng 6 vừa qua, lạm phát của nước này ở mức 21,3% - cao nhất trong vòng 13 năm qua.

Giống như Sri Lanka và Lào, Pakistan cũng đang gặp tình trạng dự trữ ngoại tệ ở mức thấp - gần như giảm một nửa kể từ tháng 8 năm ngoái.

Pakistan đã áp mức thuế 10% lên ngành công nghiệp quy mô lớn của mình trong một năm, kéo nguồn thu lên 1,93 tỷ USD như một động thái nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thu và chi. Đây là một trong những yêu cầu về thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt để đàm phán về gói cứu trợ với IMF.

Cựu Thủ tướng Imran Khan - người từng tuyên bố sẽ giải quyết các khó khăn về kinh tế - cũng đã bị cách chức và ông cũng không có chính sách nào hiệu quả để cải thiện các vấn đề mà Pakistan đang gặp phải. 

Thậm chí vào tháng trước, một quan chức cấp cao trong chính phủ Pakistan cũng đã kêu gọi người dân giảm lượng trà tiêu thụ để kéo giảm chi tiêu.

Trung Quốc, một lần nữa, cũng đóng vai trò then chốt đối với các khoản nợ nước ngoài của Pakistan. Quốc gia tỷ dân hiện là chủ của hơn 1/4 các khoản vay của Pakistan.

Khủng hoảng ở Sri Lanka và lời cảnh báo đến nhiều quốc gia
Pakistan hiện là quốc gia nhập khẩu trà lớn nhất thế giới với tổng giá trị lên tới 515 triệu USD/năm. Chính phủ Pakistan kêu gọi người dân giảm sử dụng trà để kéo giảm chi tiêu. Ảnh: Getty Images

Maldives

Quốc đảo nhỏ bé Maldives là nơi có tỷ lệ nợ công cao ngất ngưởng trong vào năm gần đây và hiện mức nợ đã vượt hơn 100% GDP.

Giống như Sri Lanka, đại dịch Covid-19 đã giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế vốn phụ thuộc phần lớn vào du lịch của Maldives. Áp lực của Maldives trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ quốc tế đã xuất hiện khi nước này phải vật lộn với suy thoái kinh tế. Đại dịch đã hủy hoại ngành du lịch nơi đây, dẫn đến nguồn thu ngoại tệ chính ở quốc gia 400.000 dân này cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo WB, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch thường có tỷ lệ nợ công cao, và ở Maldives sẽ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn khi giá nhiên liệu tăng cao và nhất là khi nền kinh tế của quốc đảo này không có sự đa dạng. Mặt khác, ngân hàng đầu tư JPMorgan của Mỹ từng nhận định Maldives có nguy cơ vỡ nợ vào cuối năm 2023.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông trích dẫn dữ liệu của Bộ Tài chính Maldives, tính đến cuối năm 2020, các khoản vay của Trung Quốc cho các công ty quốc doanh Maldives dưới sự bảo lãnh có chủ quyền của chính phủ nước này ước tính tổng cộng lên đến 935 triệu USD. Những bên hưởng lợi bao gồm Công ty xây dựng phát triển nhà ở Maldives và một công ty nhà nước liên quan đến dự án nhà ở cao tầng. Sau đó, Bắc Kinh đã tiếp tục cho chính phủ Maldives vay thêm 600 triệu USD.

Khủng hoảng ở Sri Lanka và lời cảnh báo đến nhiều quốc gia
Cầu Sinamale, một dự án đang từ vốn Trung Quốc, đang bị chính quyền Maldives điều tra lại. Ảnh: Reuters

Bangladesh

Lạm phát ở Bangladesh ghi nhận vào tháng 5 năm nay ở mức 7,42% - cao nhất trong vòng 8 năm qua. Với nguồn dự trữ ngoại tệ ngày càng sụt giảm, chính phủ Bangladesh đã thực thi nhiều chính sách nhằm kéo giảm chi tiêu như giảm bớt nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, nới lỏng quy định để thu hút kiều hối và giảm các chuyến công tác nước ngoài đối với quan chức.

Kim Eng Tan, một nhà phân tích tại S&P Global Ratings, cho biết: “Đối với các nền kinh tế đang thâm hụt nghiêm trọng tài khoản vãng lai như Bangldesh, Pakistan và Sri Lanka, chính phủ các nước này phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng trong việc tìm kiếm các kênh ngân hàng để vực dậy kho dự trữ đang thu hẹp và cải thiện tính thanh khoản đang ngày càng xấu đi. Pakistan và Sri Lanka đã phải quay trở lại bàn đàm phán với IMF và chính phủ nhiều nước khác để tìm kiếm các gói hỗ trợ tài chính. Bangladesh thì phải tiến hành tái phân bổ lại các ưu tiên chi tiêu của chính phủ và ban hành các giới hạn đối với chi tiêu của người dân.”

Khủng hoảng ở Sri Lanka và lời cảnh báo đến nhiều quốc gia
Bangladesh cũng là một trong những quốc gia vay nợ nhiều từ Trung Quốc. Ảnh: AP

Vấn đề giá thực phẩm và nhiên liệu ngày càng leo thang như hiện nay đã và đang đe dọa nhiều nền kinh tế vốn đã ‘ngấm đòn’ sau 2 năm đại dịch. Giờ đây các quốc gia đang phát triển có các khoản vay nợ khổng lồ trong nhiều năm đang nhận ra rằng nền tảng kinh tế không ổn định chính là yếu tố khiến các nước này mang nhiều rủi ro và trở nên dễ tổn thương hơn cả trước các làn sóng thay đổi hay biến động toàn cầu.

Bình luận