Chờ...

Lãnh đạo tiếp theo của Singapore và những khó khăn phía trước

VOH – Ông Lawrence Wong, người sắp trở thành Thủ tướng tiếp theo của Singapore, được dự đoán gặp không ít thách thức, trong sứ mệnh tiếp tục thành tích ấn tượng của những người tiền nhiệm.

Từ khi Singapore độc lập năm 1965, lần lượt cố Thủ tướng Lý Quang Diệu - người tại vị đến năm 1990, cựu Thủ tướng Goh Chok Tong và đương nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long - con trai cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, tất cả đã dẫn dắt Singapore tăng trưởng mạnh mẽ, xây dựng nền kinh tế xuất khẩu, và củng cố vị thế trung tâm tài chính châu Á.

Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của Singapore đạt khoảng 80.000 USD năm 2022, một trong những nơi cao nhất thế giới.

GettyImages-1257824635
Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong - Ảnh: Lowy Institute 

Theo giới phân tích, ông Wong 51 tuổi, phải tìm ra con đường phát triển cho Singapore trong một môi trường khác biệt và nhiều thách thức hơn. Ông từng mô tả thế giới hiện nay rất bất ổn và khó khăn.

Bà Meredith Weiss, giáo sư khoa học chính trị tại đại học New York nói: “Việc chuyển đổi lãnh đạo lần này có chút rủi ro. Lãnh đạo mới phải giải quyết khó khăn với ít thời gian hơn, phản ứng tức thời hơn. Tốc độ tăng trưởng chậm của Trung Quốc ảnh hưởng tới khu vực. Singapore có thể bị kéo vào cạnh tranh địa chính trị, thậm chí là xung đột.”

Một vấn đề không nhỏ ảnh hưởng tới tăng trưởng, là nhân khẩu học. Năm 2023, lần đầu tiên số sinh trung bình của 1 phụ nữ Singapore xuống dưới 1, chỉ còn 0,97. Thủ tướng Lý Hiển Long ngay lập tức kêu gọi các gia đình sinh thêm con.

Kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu Chính sách, một tổ chức nghiên cứu của Singapore công bố vào tháng 1/2024 cho thấy, cứ 10 thanh niên trong độ tuổi từ 21 đến 34, thì có 7 người cảm thấy không cần thiết phải kết hôn.

Trên toàn cầu, quốc đảo sư tử đối mặt với một thế giới đầy rủi ro, trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể trở nên tồi tệ hơn, sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024.

Ông Wen Wei Tan, nhà phân tích tại Economist Intelligence Unit nói: “Chính quyền Trump chắc chắn sẽ làm gia tăng sự bất ổn trong thương mại toàn cầu, nếu chiến thắng. Chúng ta kỳ vọng ông ấy sẽ hướng tới chính sách thương mại tích cực. Sự phân mảnh ngày càng tăng của các khối thương mại, có thể làm giảm lượng thương mại toàn cầu, hoặc tăng chi phí hậu cần, điều này rõ ràng là tiêu cực với Singapore.”

Bản thân ông Wong cũng thừa nhận, các vấn đề toàn cầu đang thách thức nền kinh tế thiên về thương mại như Singapore. Ông Wong, Phó Thủ tướng kiếm Bộ trưởng Tài chính từng nói: “Năm vừa qua không hề dễ dàng. Môi trường quốc tế gặp khó khăn. Nền kinh tế toàn cầu bị chao đảo.”

Với vai trò sắp tới là Thủ tướng, ông Wong dự kiến tiếp tục cách tiếp cận của người tiền nhiệm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Singapore như một trung tâm tài chính, thương mại và công nghệ cao trong khu vực, đồng thời tăng cường chương trình hỗ trợ an sinh xã hội để giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng.

Trong bài phát biểu về ngân sách tháng 2/2024, ông cho biết chính quyền sẽ đầu tư hơn 11 tỷ đô la Singapore vào nghiên cứu - phát triển, trí tuệ nhân tạo, tài chính và năng lượng sạch.

Ông Manu Bhaskaran, nhà kinh tế và Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Centennial Asia Advisors cho biết, hy vọng Singapore sẽ nỗ lực với các quốc gia cùng chí hướng, để duy trì động lực trong quan hệ đối tác kinh tế đa phương. Ví dụ thông qua hiệp định đối tác kỹ thuật số, vào thời điểm nhiều quốc gia đang chuyển hướng ưu tiên chính sách hướng nội.

Nhưng áp lực đang gia tăng với Singapore, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với láng giềng, nhằm trở thành trung tâm của khu vực.

Các tập đoàn đa quốc gia đang ngày càng đặt trụ sở khu vực Đông Nam Á bên ngoài Singapore, để tiết kiệm tiền và tiếp cận cơ hội mở rộng kinh doanh.

Ngân sách tài khóa 2024 được đề xuất của nước láng giềng Malaysia, đã đưa ra các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tới đặt trụ sở khu vực. Thái Lan là một ứng cử viên hàng đầu khác, trong việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài tới xây trụ sở khu vực, nhằm mở rộng sản xuất và bán hàng.

Với trọng trách là nhà lãnh đạo mới, ông Wong còn gánh trên vai nhiệm vụ xây dựng lại hình ảnh đảng cầm quyền của mình, đảng đã cai trị mà không bị gián đoạn trong sáu thập kỷ.

Các nhà quan sát cho rằng, Thủ tướng sáng lập Lý Quang Diệu, người qua đời năm 2015, đã xây dựng uy tín của đảng cầm quyền, bằng cách mang lại sự tăng trưởng, cơ hội việc làm và một tương lai đầy hứa hẹn cho mọi công dân.

Ông Wong và 1 nhóm chính trị gia trẻ tuổi cùng thời, được coi là thế hệ thứ 4, với nhiệm vụ thuyết phục cử tri rằng, chính quyền của ông có khả năng lãnh đạo đất nước, trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 11/2025.

Nhiều nhà quan sát kỳ vọng, đảng cầm quyền sẽ một lần nữa giành chiến thắng, nhưng họ sẽ theo dõi mức độ ủng hộ mà Wong nhận được. Trong cuộc bầu cử năm 2020, phe đối lập giành được số ghế kỷ lục, với các cuộc khảo sát cho thấy thế hệ trẻ - nhiều người chưa trải qua thời kỳ tăng trưởng cao và có những ưu tiên cuộc sống khác với người lớn tuổi, lại thích phe đối lập hơn.

Ông Ja Ian Chong, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore nói: “Thách thức đối với ông Wong, là đưa ra định hướng và chứng minh rằng, nhóm của mình thực sự được làm mới, chứ không đơn giản là sự kế tục chính quyền tiền nhiệm.”

Bình luận