Chờ...

Xung đột Nga-Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu

(VOH) - Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây những tác động lên giá cả đối với thị trường thực phẩm, năng lượng và phân bón trên toàn cầu.

Ngày 8/6, Nhóm Ứng phó Khủng hoảng Toàn cầu (GCRG) của Tổng thư ký Liên hợp quốc đã công bố báo cáo mới nhất về lương thực, năng lượng và hệ thống tài chính, nói rằng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu và đại dịch Covid-19, người dân trên thế giới lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt.

Ba tháng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, những tác động về giá cả đối với thị trường thực phẩm, năng lượng và phân bón trên toàn cầu không ngừng gia tăng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Reuters)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Reuters)

Theo ước tính, khoảng 1,6 tỷ người tại 94 quốc gia phải đối mặt với ít nhất một trong ba tình huống khủng hoảng, trong đó khoảng 1,2 tỷ người đang sinh sống tại các nước dễ bị ảnh hưởng nhất. Những nước này đều rất dễ bị tổn thương trong cả ba lĩnh vực thực phẩm, năng lượng và tài chính.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng các quốc gia và nhóm người dễ bị tổn thương đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng không quốc gia nào có thể miễn nhiễm với những tác động của cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt.

Vì thế, ông Guterres một lần nữa kêu gọi phải tìm ra giải pháp chính trị phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Nhưng trước hết cần phải hành động ngay lập tức trên hai phương diện. Thứ nhất, cần mang lại sự ổn định cho thị trường lương thực và năng lượng toàn cầu, phá vỡ vòng luẩn quẩn của việc leo thang giá cả, giúp giải tỏa áp lực cho các nước đang phát triển; thứ hai, phải chuẩn bị ngay các nguồn lực cho các quốc gia và cộng đồng nghèo nhất, và chính phủ các nước phải chuẩn bị các khoản vay để giúp duy trì cuộc sống của người dân và nền kinh tế tại những nước này.

Ông Guterres cũng cho biết ông đã yêu cầu Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Rebecca Greenspan và người phụ trách các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc Martin Griffiths tiến hành điều phối hai nhóm công tác để cho phép "xuất khẩu thực phẩm do Ukraine sản xuất thông qua Biển Đen một cách an toàn" và đảm bảo "mặt hàng thực phẩm và phân bón của Nga không bị cản trở khi tiếp cận thị trường toàn cầu".

Bà Greenspan nói, cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính toàn cầu hiện nay là do các nước vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cộng với tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu kéo dài, lại thêm cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài hơn 3 tháng qua, khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn, nhất là tại các nước đang phát triển.

Về vấn đề năng lượng, bà Greenspan kêu gọi các nước mở kho dự trữ năng lượng để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng trong ngắn hạn.

Bà cũng cho biết mặc dù lệnh trừng phạt Nga của 63 quốc gia không bao gồm hàng thực phẩm và phân bón, nhưng nó đã gây khó khăn cho việc xuất khẩu mặt hàng này của Nga.

Để đảm bảo việc xuất khẩu lương thực và phân bón từ Nga và Ukraine, bà Greenspan đã có chuyến thăm tới các nước như Nga, Mỹ, Bỉ, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ trong những tuần vừa qua. Liên hợp quốc kêu gọi các bên nên hành động ngay lập tức để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng ba chiều (về lương thực, năng lượng và tài chính) trở thành thảm họa ba chiều.

Bình luận