Chờ...

Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi hợp tác toàn cầu chống COVID-19

(VOH) – Ngày 2/4, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vừa đồng thuận thông qua một nghị quyết ghi nhận “các hậu quả không lường trước” của đại dịch COVID-19.

Ngoài ra Đại hội đồng cũng kêu gọi một sự hợp tác quốc tế tăng cường để ngăn chặn, giảm thiểu và đánh bại dịch COVID-19.

Đây là nghị quyết đầu tiên được 193 thành viên thông qua về đại dịch đang càn quét thế giới và phản ánh mối quan tâm toàn cầu về số người chết tăng nhanh và số ca nhiễm.

Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi hợp tác toàn cầu chống COVID-19 1

Hàng cứu trợ của Liên Hợp Quốc chuyển đến người dân ở Dải Gaza khi dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: AP

Đại hội đồng đã không phê chuẩn nghị quyết đề xuất bởi Nga trong đó kêu gọi một Liên Hợp Quốc đoàn kết trong việc đối mặt với thách thức đặt ra bởi virus corona chủng mới và kêu gọi một sự chấm dứt các cuộc chiến thương mại, các hành động bảo hộ và lệnh trừng phạt đơn phương mà không có sự thông qua của Hội đồng Bảo an.

Các nhà ngoại giao cho biết Liên minh châu Âu, Anh, Mỹ và Ukraine phản đối dự thảo của Nga, được đồng ủng hộ bởi Cộng hòa Trung Phi, Cuba, Nicaragua và Venezuela.

Chủ tịch Đại hội đồng đã gửi một bức thư cho các quốc gia thành viên tối ngày thứ Năm nói rằng dù thời hạn kéo dài để bỏ phiếu đồng ý hay chống dành cho dự thảo nghị quyết của Nga đã được thêm đến 18 giờ (EDT) thì các cuộc thảo luận thêm cũng không giúp cho nghị quyết này được chấp thuận và giải quyết bất đồng ý kiến.

Nghị quyết mới được thông qua mang tên “Toàn cầu đoàn kết để chống lại dịch COVID-19” tái khẳng định cam kết của Đại hội đồng về một sự hợp tác quốc tế, về chủ nghĩa đa phương cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ cho vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19.

Nghị quyết kêu gọi Tổng Thư ký Antonio Guterres phải lãnh đạo một cuộc huy động và hợp tác cho hành động ứng phó toàn cầu đối với đại dịch cùng với “tác động bất lợi về xã hội, kinh tế và tài chính của nó đối với tất cả các xã hội”.

Nghị quyết công nhận sự gián đoạn nghiêm trọng của COVID-19 đối với các xã hội và nền kinh tế, cũng như du lịch và thương mại toàn cầu, và tác động tàn phá đối với sinh kế của người dân, và nhấn mạnh rằng, những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất và cần được giúp đỡ.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng quyền con người và phản đối bất kỳ hình thức phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và bài ngoại nào trong cuộc đối phó với đại dịch.

Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên dự kiến sẽ thảo luận về đại dịch vào tuần tới. Có khả năng sẽ có hai nghị quyết để xem xét, một nghị quyết được ủng hộ bởi hội đồng bầu chọn gồm 10 thành viên bầu cử và một nghị quyết khác được ủng hộ bởi thành viên thường trực Pháp.

Bình luận