Chờ...

Liên minh châu Âu cân nhắc phê chuẩn vắc-xin COVID-19 của Moderna

(VOH) – Cơ quan dược phẩm của EU (EMA) vừa họp hôm 6/1 để cân nhắc việc bật đèn xanh cho vắc-xin COVID-19 của tập đoàn Moderna, một quyết định sẽ giúp EU có thêm vắc-xin để chống dịch.

Cuộc họp của Ủy ban dược phẩm chữa bệnh cho người thuộc Cơ quan Dược phẩm châu Âu (CHMP) diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ nhiễm tăng cao tại nhiều quốc gia EU và sự chỉ trích mạnh mẽ vì tốc độ tiêm chủng chậm chạp của khu vực với 450 triệu người này.

vacxin-covid-19-EU-voh.com.vn-1
Văn phòng Cơ quan Dược phẩm Châu Âu tại Amsterdam (Hà Lan). Ảnh: AP

EMA đã phê chuẩn một loại vắc-xin ngừa virus corona sản xuất bởi hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức. Cả hai loại vắc-xin đều yêu cầu hai mũi tiêm.

Trước cuộc họp về vắc-xin của Moderna, cơ quan này đăng dòng tweet ghi rằng các chuyên gia của cơ quan đang “làm việc cật lực” để làm rõ các vấn đề còn tồn tại với công ty, tuy nhiên không nói rõ rằng các vấn đề đó là gì. Phía Moderna cũng từ chối bình luận.

Kết quả ban đầu của các nghiên cứu diện rộng và vẫn đang tiếp diễn của cả vắc-xin của Moderna và Pfizer-BioNTech đều cho thấy có vẻ an toàn và mức độ bảo vệ mạnh mẽ, dù vắc-xin của Moderna thì dễ xử lý hơn khi không cần phải bảo quản trong nhiệt độ đông đặc biệt.

Mỹ, Canada và Israel đã chấp thuận sử dung vắc-xin của Moderna. Mỹ đã bật đèn xanh cho việc sử dụng khẩn cấp vắc-xin cho người dân trên 18 tuổi hôm 18/12. Sau đó 5 ngày, Canada cũng cấp phép tạm thời cho việc tiêm vắc-xin cho người trên 18 tuổi. Israel cho phép sử dụng vắc-xin này hôm 4/1 vừa rồi.

Nếu EU gia nhập danh sách này, quyết định của họ sẽ cần được xác nhận bởi ủy ban điều hành của EU tại Brussels trước khi quy trình tiêm chủng vắc-xin Moderna có thể bắt đầu.

Moderna cho biết hôm thứ Hai rằng họ đang tăng ước tính sản xuất vắc-xin toàn cầu vào năm 2021 từ 500 lên 600 triệu liều. Công ty cho biết họ đang “tiếp tục đầu tư và bổ sung nhân viên để xây dựng lên đến 1 tỷ liều thuốc tiềm năng cho năm 2021.”

Cả vắc-xin của Moderna và Pfizer-BioNTech đều là vắc-xin mRNA, được sản xuất theo công nghệ mới nhất.

EU chính thức bắt đầu tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech vào ngày 27/12, nhưng tốc độ của chương trình tiêm chủng của mỗi quốc gia đã khác nhau rất nhiều. Pháp đã tiêm chủng cho khoảng 500 người trong tuần đầu tiên, trong khi Đức đã tiêm chủng cho 200.000 người. 

Hà Lan là quốc gia EU cuối cùng tiến hành tiêm vắc-xin COVID-19 

Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của Hà Lan mới bắt đầu ngày 6/1 với nhóm đối tượng là các nhân viên viện dưỡng lão và nhân viên tuyến đầu trong bệnh viện.

vacxin-covid-19-EU-voh.com.vn-2
Nữ y tá Sanna Elkadiri, người đầu tiên nhận mũi tiêm vắc-xin COVID-19 ở Hà Lan. Ảnh: AP

Sanna Elkadiri, một y tá tại viện điều dưỡng cho người bị mất trí nhớ, là người nhận được mũi tiêm đầu tiên của vắc-xin của Pfizer-BioNTech tại trung tâm tiêm chủng của Veghel, cách thủ đô Amsterdam 120 km về phía đông nam.

Chính phủ Hà Lan đã chịu chỉ trích gay gắt cho việc chậm khởi động tiêm chủng. Thủ tướng Mark Rutte nói với các nhà lập pháp trong một cuộc tranh luận hôm thứ Ba rằng nhà chức trách đã tập trung vào sự chuẩn bị cho một loại vắc-xin dễ xử lý hơn sản xuất bởi Đại học Oxford và AstraZeneca, chưa được phép sử dụng ở EU, chứ không phải vắc-xin Pfizer-BioNTech.

Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge đã không bình luận gì về các chỉ trích khi phát biểu trong lúc nữ y tá Elkadiri tiêm mũi đầu tiên. Thay vào đó, ông hướng đến một tương lai trong đó đại dịch được kiểm soát.

Hà Lan đang trong giai đoạn đóng cửa khó khăn kéo dài 5 tuần khi tỷ lệ lây nhiễm tăng đột biến trên toàn quốc. Trong những ngày gần đây, tỷ lệ lây nhiễm đã giảm xuống mức thấp hơn, nhưng viện y tế cộng đồng của nước này cho biết hôm thứ Ba rằng lệnh cấm vẫn chưa tạo ra ảnh hưởng rõ ràng đến tỷ lệ lây nhiễm.

Gần 12.000 người được xác nhận đã chết vì COVID-19 ở Hà Lan kể từ khi đại dịch bắt đầu, mặc dù con số thực sự cao hơn vì không phải tất cả những ca tử vong với các triệu chứng đều được xét nghiệm.

Bình luận