Chờ...

Liên minh châu Âu hy vọng đạt thỏa thuận cải cách quy định chi tiêu vào cuối 2023

VOH - Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm cách đạt được một thỏa thuận về cải cách các quy định chi tiêu của khối vào tháng 12 tới.

Bộ trưởng tài chính các nước thành viên EU nhất trí tiến hành một cuộc họp bổ sung vào cuối tháng 11 này để thảo luận nội dung chi tiết, hy vọng có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng về cải cách các quy định chi tiêu trong cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 12.

Thông tin được Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU đưa ra sau cuộc họp các bộ trưởng tài chính EU ngày 9/11 tại Brussels, Bỉ. Bộ trưởng Nadia Calvino cho biết vẫn còn chặng đường cuối cần vượt qua.

Liên minh châu Âu hy vọng đạt được thỏa thuận cải cách quy định chi tiêu vào cuối 2023 1
Ảnh minh họa: Reuters

Ra đời năm 1997, các quy định về chi tiêu của EU, được biết dưới tên gọi Hiệp ước ổn định và tăng trưởng, đặt ra giới hạn đối với việc vay nợ của chính phủ các nước thành viên nhằm đảm bảo các nước tuân thủ kỷ luật ngân sách, qua đó bảo vệ giá trị của đồng euro.

Trong giai đoạn dịch Covid-19, EU đã tạm đình chỉ quy định về giới hạn thâm hụt ngân sách trong Hiệp ước để tạo điều kiện cho chính phủ các nước chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi.

Quyết định tạm đình chỉ có hiệu lực đến cuối năm 2023. Từ 2024, các quy định liên quan ngân sách trong hiệp ước sẽ có hiệu lực trở lại.

Pháp và Đức, 2 nền kinh tế chủ chốt của EU, đã nỗ lực có được một thỏa hiệp làm cơ sở cho thỏa thuận với tất cả các nước thành viên.

Nguồn tin Bộ Tài chính Italy cho biết nước này không hoàn toàn lạc quan về việc EU có thể đạt được thỏa thuận vào tháng 12 tới. Italy không muốn ký kết thỏa thuận bằng mọi giá và sẽ là sai lầm khi các quy định cũ vẫn có thể áp dụng được trong khi những cải cách đi ngược lại lợi ích của nước này.

Hiệp ước ổn định và tăng trưởng đã được sửa đổi 3 lần vào các năm 2005, 2011 và 2013. Việc sửa đổi các quy định trong Hiệp ước được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch, đồng thời mở ra một lộ trình giảm nợ công khả thi cho một số nước.

Bình luận