Chờ...

Lỗ thủng tầng ozone rộng thêm 10% vì cháy rừng ở Australia

(VOH) - Nghiên cứu mới cho thấy khói từ các vụ cháy rừng nghiêm trọng tại Australia đã tạo nên phản ứng hóa học khiến lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực rộng thêm hơn 2 triệu km2, tức thêm 10% diện tích.

Nghiên cứu mới đã làm gia tăng lo ngại rằng các vụ cháy rừng ngày càng nhiều có thể làm chậm lại quá trình khôi phục lớp bảo vệ khí quyển của Trái Đất trước bức xạ cực tím (UV) cực kỳ nguy hiểm.

Nắng nóng gay gắt của mùa hè và tình trạng hạn hán nghiêm trọng đã gây ra các đợt cháy rừng nghiêm trọng ở Australia từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, hay còn được gọi là "Mùa hè đen". Nhiều rừng bạch đàn diện tích ở thành phố Sydney đã bị thiêu rụi. Nhiều thành phố bị bao trùm bởi khói đen và tro bụi từ cháy rừng suốt nhiều tháng trời.

Các nghiên cứu trước đây đã kết luận rằng hơn một triệu tấn khói được bơm vào bầu khí quyển bởi các đám cháy đã mở rộng lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực vào mỗi mùa xuân.

Lỗ thủng tầng ozone rộng thêm 10% vì cháy rừng ở Australia
Đám cháy rừng vào mùa hè 2019 - 2020 đã thiêu rụi hơn 17 triệu ha đất rừng khắp miền Đông Australia. Ảnh: Reuters

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Trung Quốc đã xác định được một phản ứng hóa học chưa từng được biết đến trước đây trong khói cháy rừng, tạo ra chlorine monoxide có khả năng làm tăng sự suy giảm tầng ozone.

Giáo sư Susan Solomon tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ - trưởng nhóm nghiên cứu - nhấn mạnh phản ứng trên đã phá vỡ các khu vực ven lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực, khiến lỗ thủng này rộng thêm hơn 2 triệu km2, tương đương mức tăng 10% diện tích so với một năm trước.

Lỗ thủng tầng ozone rộng thêm 10% vì cháy rừng ở Australia
Vùng màu xanh lam và tím thể hiện lỗ thủng ozone phía trên Nam Cực ngày 5/10/2022, đạt kích thước cực đại 26,4 triệu km2 - mức lớn nhất kể từ năm 2015. Ảnh: NASA/AP

Lỗ thủng tầng ozone lần đầu tiên xuất hiện do tác động của con người gây ra ô nhiễm môi trường, đặc biệt là do chất chlorofluorocarbons (CFC) phát thải từ tủ lạnh.

Nghị định thư Montreal năm 1987 được 195 quốc gia phê chuẩn đã giúp giảm mạnh lượng phát thải CFC vào khí quyển, tạo cơ hội để "vá" lỗ thủng tầng ozone.

Mô hình mô phỏng của Liên Hiệp Quốc dự đoán tầng ozone ở Nam bán cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2060. Tuy nhiên, Giáo sư Solomon, người đầu tiên xác định các hóa chất gây thủng tầng ozone ở Nam Cực vào những năm 1980, lo ngại rằng tác động của biến đổi khí hậu có thể làm chậm quá trình phục hồi này.

Từ lâu, các nhà khoa học cho rằng lỗ thủng tầng ozone có mối liên hệ với thời tiết cực lạnh, vì các đám mây ở nhiệt độ thấp này tạo môi trường gây phản ứng với CFC còn sót lại, biến chúng thành các hóa chất khác có khả năng phản ứng độc hại với chlorine và hủy hoại tầng ozone. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia Solomon, nghiên cứu mới chỉ ra rằng khói từ các đám cháy rừng bốc lên khí quyển cũng hấp thụ được các phân tử này, kích hoạt loạt phản ứng hóa học tạo ra chlorine monoxide mà không cần tới nhiệt độ cực lạnh.

Thông qua việc kích hoạt phản ứng này, các vụ cháy rừng nhiều khả năng có thể làm suy giảm tạm thời 3-5% diện tích ozone ở các vĩ độ trung bình tại Nam bán cầu, trên khắp Australia, New Zealand, cũng như một số vùng của châu Phi và Nam Mỹ.

Lỗ thủng tầng ozone rộng thêm 10% vì cháy rừng ở Australia
Cháy rừng ở gần khu vực sông Margaret, Australia ngày 8/12/2021. Ảnh: AFP

Theo Cơ quan Giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) của Liên minh châu Âu (EU), các vụ cháy rừng trong năm 2021 đã thải 1,76 tỷ tấn carbon vào bầu khí quyển Trái Đất, nhiều hơn gấp 2 lần lượng phát thải khí CO2 hằng năm của Ðức.

Ðể hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy rừng, Chương trình Môi trường Liên HIệp Quốc (UNEP) đề nghị chính phủ các nước cần có những phương án chuẩn bị. Theo đó, 2/3 các khoản chi nên dành cho việc lập kế hoạch, phòng ngừa, chuẩn bị và phục hồi, và 1/3 còn lại sẽ dùng để triển khai các biện pháp ứng phó khi cháy rừng xảy ra. Công thức này có thể được điều chỉnh cho phù hợp với từng khu vực hay quốc gia.

Hiện nay, hoạt động ứng phó trực tiếp với cháy rừng thường chiếm hơn một nửa các khoản chi liên quan, trong khi công tác lập kế hoạch chỉ nhận được chưa đến 1%.

Bình luận