Chờ...

Lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời, ngăn chặn khả năng đóng cửa chính phủ

(VOH) - Ngày 30/9 theo giờ địa phương, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu tạm thời, sau đó gửi đến tổng thống để ký ban hành nhằm ngăn chặn tình trạng đóng cửa chính phủ.

Vài giờ trước thời hạn chót vào tối cùng ngày, Thượng viện đã thông qua dự luật với tỷ lệ 65 phiếu thuận và 35 phiếu chống, sau đó dự luật cũng được Hạ viện thông qua với 254 phiếu thuận và 175 phiếu chống, giúp chính phủ tránh được tình trạng đóng cửa đến ngày 3/12.

Ngoài ra, dự luật chi tiêu tạm thời còn cung cấp 28 tỷ USD cho các hoạt động cứu trợ do bão và 6 tỷ USD viện trợ cho vấn đề người tị nạn Afghanistan.

Theo quy định, dự luật cần được Tổng thống Joe Biden ký thông qua và trước thời hạn chót lúc nửa đêm ngày 30/9 mới có thể giúp tránh được tình trạng đóng cửa chính phủ.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, thành viên thuộc đảng Dân chủ Chuck Schumer nói với các thượng nghị sĩ trước khi bỏ phiếu rằng: "Đây là một kết quả tốt và tôi rất vui vì chúng ta sẽ hoàn thành nó".

Lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời, ngăn chặn khả năng đóng cửa chính phủ 1
Trụ sở Tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Ảnh: Epoch Times)

Nhưng dự luật chi tiêu tạm thời không bao gồm việc nâng mức trần nợ công.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo rằng ngân sách chính phủ có thể sẽ cạn kiệt vào ngày 18/10. Nếu khi đó Quốc hội không nâng mức trần nợ công, chính phủ sẽ phải đối mặt với trường hợp vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử và có thể dẫn đến tình trạng hàng triệu nhân viên chính phủ không làm việc vì không được trả lương, đồng thời gây rủi ro cho quỹ phúc lợi của chính phủ và làm sụp đổ thị trường tài chính.

Những người theo đường lối bảo thủ phản đối việc chính phủ liên tục vay nợ và cho rằng đây là hành động vô trách nhiệm, khiến thế hệ sau phải gánh chịu những món nợ do thế hệ này gây ra.

Nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2022 để bầu lại 435 ghế tại Hạ viện và 34 ghế trên tổng số 100 ghế tại Thượng viện.

Trước đó vào ngày 27/9, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã ngăn chặn nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm thông qua dự luật đình chỉ áp mức trần nợ công cho đến tháng 12/2022.

Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, Quốc hội nước này đã 78 lần nâng hoặc tạm đình chỉ mức trần nợ công kể từ năm 1960.

Sau năm 2013, Quốc hội không còn trực tiếp nâng trần nợ công mà đưa ra thời hạn tạm hoãn áp dụng mức trần nợ, cho phép Bộ Tài chính phát hành trái phiếu không giới hạn trong khoảng thời gian này.

Kể từ đó, Quốc hội đã 7 lần đình chỉ áp dụng mức trần nợ và lần gần đây nhất là vào tháng 8/2019, cho phép Bộ Tài chính tiếp tục phát hành trái phiếu cho đến ngày 31/7 năm nay.

Trong lần cù cưa về nợ công vào năm 2011, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã thắng thế khi buộc chính quyền của Tổng thống đảng Dân chủ lúc bấy giờ là ông Barack Obama phải chịu nhượng bộ và cắt giảm ngân sách.

Bình luận