Chờ...

Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt chống khủng bố đối với quan chức và công ty dầu mỏ Iran

(VOH) - Chính phủ Mỹ ngay 26/10 đã áp đặt lệnh trừng phạt chống khủng bố đối với Bộ Dầu mỏ Iran, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC) và Công ty Chở dầu Quốc gia Iran (NITC).

Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm gia tăng sức ép đối với Iran.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng họ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với "các đối tượng chủ chốt" trong lĩnh vực dầu mỏ của Iran vì những đối tượng này ủng hộ Lực lượng Quds tinh nhuệ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC-QF).

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, thông qua ngành dầu mỏ, chính quyền Iran đã cung cấp tài chính cho IRGC-QF để lực lượng này tiến hành các hoạt động gây bất ổn.

công ty dầu mỏ, Iran, ngày 27 tháng 10 năm 2020
Ảnh minh họa: Iternet

"Lực lượng Quds" bị Mỹ xem là tổ chức khủng bố vì vai trò chỉ huy của nó đối với các điệp viên Iran ở nước ngoài.

"Chính quyền Iran tiếp tục đặt sự hỗ trợ cho các thực thể khủng bố và chương trình hạt nhân của họ lên trên nhu cầu của người dân Iran", ông Mnuchin nói.

Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC), Công ty Chở dầu Quốc gia Iran (NITC) cùng một số cá nhân và thực thể khác là những đối tượng có tên trong danh sách bị trừng phạt.

Theo lệnh trừng phạt của Mỹ, chính phủ Mỹ sẽ đóng băng tài sản tại Mỹ của các đối tượng này, đồng thời cấm công dân Mỹ giao dịch qua lại với họ .

Các công ty này trước đây từng bị Mỹ đưa vào danh sách đen tùy vào phạm vi quyền hạn khác nhau.

Tờ Wall Street Journal nói rằng, mặc dù các công ty Iran mà Mỹ nhắm tới lần này đã từng bị trừng phạt trước đó, nhưng các biện pháp trừng phạt mới được cho là trừng phạt chống khủng bố.

Các nhà phân tích và cựu quan chức Mỹ cho biết, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt dạng này khó hơn nhiều so với các dạng trừng phạt khác.

Bất kỳ cá nhân nào có giao dịch qua lại với những đối tượng có tên trong danh sách trừng phạt chống khủng bố của Mỹ có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn.

Các nhà phân tích cho rằng, đến nay, gần như toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran đều bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt chống khủng bố. Đây được xem là sự răn đe bổ sung đối với các công ty vẫn còn làm ăn với Iran.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, xuất khẩu dầu của Iran đã sụt giảm. Tuy nhiên, Iran đã cố né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ để đảm bảo việc xuất khẩu có thể diễn ra suôn sẻ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo các nhà nhập khẩu dầu thô Iran còn lại nên biết rằng họ đang giúp tài trợ cho các hoạt động ác ý của Iran tại khắp Trung Đông, bao gồm cả sự ủng hộ đối với chủ nghĩa khủng bố.

Bình luận