Chờ...

Mỹ hoãn cuộc họp giải quyết “trần nợ công”

VOH - Cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa dự kiến diễn ra vào ngày 12/5 để đưa ra giải pháp cho vấn đề trần nợ sẽ được lui lại sang tuần sau.

Phát ngôn viên Nhà Trắng ngày 11/5 thông báo các lãnh đạo nhánh hành pháp và lập pháp đã đồng ý dời cuộc họp đến một thời điểm không xác định vào tuần tới.

Phát biểu với các phóng viên, Hạ nghị sỹ McCarthy nhấn mạnh việc dời lại cuộc họp không phải là dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán gặp trở ngại, nhưng ông tin rằng các nhà đàm phán cần tiếp tục nói chuyện trước khi lãnh đạo gặp lại nhau.

Ông Kevin McCarthy cũng cáo buộc các nghị sỹ đảng Dân chủ, trong đó có lãnh đạo phe thiểu số của đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer là người đã kìm giữ thỏa thuận.

Mỹ hoãn cuộc họp giải quyết “trần nợ công” 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy - Ảnh: Washington Post

Theo 2 nguồn tin, Nhà Trắng có thể phải chấp nhận một số cắt giảm chi tiêu hoặc giới hạn nghiêm ngặt đối với chi tiêu trong tương lai nếu muốn đạt được thỏa thuận.

Phía hành pháp nhấn mạnh phải tiếp tục duy trì ngân sách cho chính sách chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Biden, vốn đã được Quốc hội thông qua vào năm ngoái.

Dự luật của phía Cộng hòa tại Hạ viện muốn cắt giảm chi tiêu của chính phủ xuống mức năm 2022, hạn chế chi tiêu trong tương lai dưới mức lạm phát và bãi bỏ các ưu đãi đối với công nghệ năng lượng tái tạo, xe điện và phát triển kỹ thuật bảo vệ khí hậu khác, vốn được thông qua trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden.

Các nguồn tin cho biết hai bên cũng đang tranh luận về việc kéo dài thời gian áp dụng trần nợ mới tiếp theo.

Tổng thống Biden và đảng Dân chủ muốn thời hạn kéo dài 2 năm để không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 và để đạt được điều này, có thể họ phải chấp nhận mức cắt giảm chi tiêu lớn hơn để có thêm thời gian.

Ngày 11/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hối thúc Quốc hội nước này nâng trần nợ liên bang hiện ở mức 31.400 tỷ USD, qua đó ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nợ đe dọa nền kinh tế toàn cầu cũng như làm lung lay vị thế của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Bình luận