Chờ...

Mỹ lên án vụ tấn công đại sứ quán Thụy Điển

VOH - Sau vụ người biểu tình tấn công đại sứ quán Thụy Điển, Mỹ nói không thể chấp nhận việc lực lượng an ninh Iraq không ngăn cản được.

Hàng trăm người biểu tình Iraq rạng sáng 20/7 trèo tường vào đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad và phóng hỏa. Biểu tình diễn ra khi cùng ngày, Thụy Điển cho phép tổ chức một cuộc tụ tập bên ngoài đại sứ quán Iraq ở Stockholm. Những người tham gia cuộc tụ tập dự định đốt kinh Koran cũng như quốc kỳ Iraq.

Mỹ lên án vụ tấn công đại sứ quán Thụy Điển 1
Người biểu tình leo rào vào trong đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad hôm 20/7 - Ảnh: Reuters

Trong ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Mỹ lên án vụ tấn công đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad, chỉ trích lực lượng an ninh Iraq đã không ngăn chặn người biểu tình xâm phạm khu vực sứ quán Thụy Điển lần thứ hai và làm hư hại cơ sở. Ông Miller mô tả điều này là “không thể chấp nhận”.

Miller cho rằng tự do biểu tình là một phần thiết yếu của nền dân chủ, còn những gì xảy ra ở Iraq là hành động bạo lực bất hợp pháp.

Miller kêu gọi chính phủ Iraq thực hiện các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế để bảo vệ cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài.

Mỹ không ủng hộ việc đốt kinh Koran, cho rằng việc Thụy Điển chấp thuận cuộc tụ tập không đồng nghĩa nhà chức trách tán thành hành động này.

Cùng lên tiếng phản đối Iraq có cả Anh. Nước này chỉ trích lực lượng an ninh Iraq không hoàn thành nhiệm vụ và phản đối bạo lực nhằm vào cơ quan đại diện ngoại giao.

Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh các chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan đại diện ngoại giao theo Công ước Vienna, không thể chấp nhận việc lực lượng an ninh Iraq để người biểu tình dễ dàng xâm nhập vào đại sứ quán, đồng thời hoan nghênh chính phủ Iraq lên kế hoạch truy tố những người chịu trách nhiệm.

Liên quan đến việc Thụy Điển cho phép tụ tập trước đại sứ quán Iraq, Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani hôm 20/7 chỉ thị trục xuất đại sứ Thụy Điển, đồng thời triệu hồi đại biện lâm thời ở Stockholm với lý do chính phủ Thụy Điển nhiều lần cho phép đốt kinh Koran, xúc phạm sự thiêng liêng của đạo Hồi, và đốt cờ Iraq.

Bình luận