Chờ...

Mỹ và Iran đàm phán gián tiếp nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân

(VOH) - Sau 3 năm kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 thì nay Mỹ và Iran sẽ chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán gián tiếp tại Vienna (Áo) nhằm đưa cả hai quốc gia trở lại thỏa thuận này.

Các cuộc đàm phán sẽ diễn ra vào hôm nay ngày 6/4 (giờ địa phương) tại thủ đô Vienna của Áo, với sự tham gia của một số quốc gia châu Âu trong vai trò trung gian gồm Anh, Pháp, Đức. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng tham dự đàm phán này với danh nghĩa là các bên liên quan trong thỏa thuận.  

Thời gian qua, Iran đã nhiều lần vượt qua các giới hạn về chương trình phát triển hạt nhân mà cụ thể là không ngừng tăng mức làm giàu uranium. Đây là động thái nhằm đáp trả việc chính quyền Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump vào năm 2018 đã rút khỏi hiệp ước hạt nhân và tái áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhắm vào nền kinh tế của Iran.

Cho đến nay, cả hai quốc gia Mỹ và Iran đều chưa có động thái rõ ràng nào trong việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Phía Tehran từng nhiều lần từ chối “các cuộc thảo luận trực tiếp và gián tiếp” với Mỹ về vấn đề này. Về phía Mỹ, nước này cũng cho rằng lần đàm phán gián tiếp mới nhất ở Vienna sẽ gặp nhiều khó khăn. Cả hai nước đều chưa cho thấy bất kỳ bước tiến mang tính đột phá nào.

Người phát ngôn của chính phủ Iran - ông Ali Rabiei phát biểu: “Chúng tôi hiện tại không lạc quan, cũng không bi quan về kết quả của lần đàm phán này. Song chúng tôi tin rằng mọi việc đang đi đúng hướng, và nếu phía Mỹ chứng minh được ý định, sự nghiêm túc và trung thực của mình thì đó là dấu hiệu tốt đẹp cho tương lai của thỏa thuận hạt nhân, mà trong đó quan trọng nhất là việc tuân thủ hoàn toàn các quy định đã ký kết trong thỏa thuận.”

Mỹ và Iran đàm phán gián tiếp nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran là Mohammad Javad Zarif trong hội nghị ký kết thỏa thuận hạt nhân tại Lausanne, Thụy Điển vào năm 2015. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao phương Tây cho biết trong lần đàm phán này, “ngoại giao con thoi” (shuttle diplomacy) là phương thức tiếp cận chính, và Pháp sẽ đóng vai trò đối thoại chính với Mỹ và Iran.

Ngoại giao con thoi được sử dụng khi hai bên xảy ra tranh chấp không thể công khai công nhận lẫn nhau về mặt ngoại giao, khiến cho việc đàm phán trực tiếp giữa hai bên khó có thể xảy ra.

Trong nhiều trường hợp căng thẳng, đối thoại và liên lạc trực tiếp giữa họ không thể đem lại kết quả và đôi khi còn làm tình hình trở nên căng thẳng hơn. Trong trường hợp đó, hoạt động ngoại giao con thoi được sử dụng giúp một bên thứ ba truyền đạt thông tin qua lại giữa hai bên xảy ra tranh chấp.

Sự tham gia của bên thứ ba với vai trò người hoà giải và trung gian, thông qua các cuộc đàm phán gián tiếp sẽ giúp các bên tranh chấp có thể xây dựng lòng tin và nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau.

Trở lại trường hợp của Mỹ và Iran, khi được hỏi về cơ hội xuất hiện của quyết định mang tính đột phá sau đàm phán, một quan chức Iran cho biết: “Chương trình xuyên suốt của chúng tôi tại lần đàm phán này là việc gỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt lên Iran… và như lãnh tụ tối cao của chúng tôi từng nhiều lần lặp đi lặp lại, Tehran chỉ chấp nhận điều kiện như vậy.”

Reuters trích dẫn các nguồn tin cho hay, cuộc đàm phán ngày 6/4 sẽ kéo dài trong khoảng vài ngày để giải quyết trước một số vấn đề cơ bản và sẽ tiếp tục vào tuần sau.

Đại diện các nước châu Âu tham dự đàm phán cho biết trong khuôn khổ hội nghị, các nhóm làm việc sẽ được thành lập, hướng đến xây dựng hai thoả thuận, một với Mỹ và một với Iran, nhằm vạch rõ lộ trình Mỹ dỡ bỏ trừng phạt chống Iran và các bước để Iran trở lại tuân thủ các cam kết hạt nhân.

Bình luận