Chờ...

Mỹ xem xét trừng phạt quân đội Myanmar vì đảo chính

(VOH) - Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét ký ban hành sắc lệnh hành pháp chống lại việc quân đội Myanmar tuyên bố kiểm soát chính quyền, theo đó có thể có các biện pháp trừng phạt.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 4/2 cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét ký ban hành sắc lệnh hành pháp chống lại việc quân đội Myanmar tuyên bố kiểm soát chính quyền, theo đó có thể có các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể do quân đội kiểm soát.

Myanmar

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 4/2/2021. (Ảnh: Getty Images)

Vào ngày 2/2, chính quyền Biden chính thức khẳng định hành động nắm giữ quyền lực nhà nước của quân đội Myanmar vào một ngày trước đó là một cuộc đảo chính quân sự và cho biết Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh quân đội phải chịu trách nhiệm về vụ đảo chính này.

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, thống tướng Min Aung Hlaing ngày 1/2 đã phát động cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính quyền dân sự và bắt giữ lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền Aung San Suu Kyi cùng Tổng thống Myanmar Win Myint và một số quan chức cấp cao khác, sau đó tiếp tục có những hành động nhằm củng cố quyền kiểm soát của mình.

Cuộc đảo chính này đã phá hoại quá trình chuyển đổi dân chủ từ chính quyền quân sự sang chính quyền dân sự tại Myanmar. Quá trình chuyển đổi này được bắt đầu cách đây khoảng 10 năm. Cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm ngoái là cuộc bầu cử dân chủ thực sự lần thứ 2 tại Myanmar kể từ khi kết thúc sự thống trị của chính quyền quân sự tại nước này.

Ông Sullivan ngày 4/2 cho biết với sự ủng hộ của cả hai đảng tại Quốc hội trong vấn đề Myanmar, chính quyền Biden được cho là có thể hợp tác với Quốc hội để đưa ra những biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc đảo chính này.

"Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với các đồng minh và các đối tác trên thế giới ", ông Sullivan cho biết tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng.

"Chúng tôi đang xem xét và có thể ban hành các lệnh hành pháp mới, chúng tôi cũng đang nghiên cứu các biện pháp trừng phạt nhằm vào các đối tượng cụ thể, bao gồm các cá nhân và các thực thể được lợi do quân đội kiểm soát ", ông Sullivan nói.

Trong một diễn biến khác liên quan, vào ngày 4/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do ngay lập tức cho bà Aung San Suu Kyi và những người bị bắt giữ khác, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với việc quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp tại nước này.

Hãng tin AP cho hay, Đặc phái viên LHQ về Myanmar ngày 2/2 đã hối thúc HĐBA LHQ triệu tập một cuộc họp khẩn nhằm đảm bảo nền dân chủ tại Myanmar được phục hồi nhanh chóng, nhưng LHQ không có hành động ngay lập tức.

Được biết, trong thông cáo báo chí của HĐBA được công bố hôm 4/2 đã không lên án những diễn biến chính trị ở Myanmar.

Bình luận