Chờ...

Myanmar có thể bị đưa vào danh sách theo dõi toàn cầu vì rửa tiền và tài trợ khủng bố

(VOH) - Hãng tin Reuters dẫn lời hai nguồn tin thân cận cho biết Myanmar có thể bị đưa vào danh sách theo dõi tài chính toàn cầu, vì các hoạt động rửa tiền và sự yếu kém trong hệ thống tài chính.

Theo đó, việc có đưa Myanmar vào “danh sách xám” theo dõi hay không sẽ do Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền - tổ chức liên chính phủ (FATF) với 33 quốc gia thành viên quyết định sau cuộc họp ở Paris tuần này. Nếu có tên trong “danh sách xám”, điều này có nghĩa FATF đã nhận thấy sự “thiếu hụt mang tính chiến lược” trong khả năng của một nước trong việc kiểm soát rửa tiền và các hoạt động tài trợ khủng bố.

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên cho biết, mặc dù có tên trong danh sách xám sẽ không kèm theo bất kỳ lệnh trừng phạt quốc tế nào, song có thể gây kìm hãm sự tăng trưởng tài chính, đầu tư và thương mại đến quốc gia Đông Nam Á này.

Mặc dù vậy, Kyaw Win Thein - người đứng đầu cơ quan tình báo tài chính Myanmar và cũng đang có mặt tại cuộc họp của FATF ở Paris, cho biết “tính cho đến nay thì Myanmar vẫn không có trong danh sách xám”. Kết quả chính thức sẽ được quyết định vào thứ Năm ngày 20/2, và thường sẽ được công bố sau đó một ngày, tức là vào thứ Sáu 21/2.

Kyaw cũng nói thêm rằng chính phủ Myanmar đã phát triển các kế hoạch hành động chiến lượng để cải thiện khả năng kiểm soát rửa tiền. Tuy nhiên, hai nguồn tin thông thạo về FATF và quá trình điều tra Myanmar cho biết các giám sát viên đều thấy rằng kế hoạch hành động chống rửa tiền của quốc gia này vẫn còn khá xa so với thực tế và FATF đang hoàn tất các thủ tục để chính thức đưa Myanmar vào danh sách xám vào tuần này.

Myanmar có thể bị đưa vào danh sách theo dõi toàn cầu vì rửa tiền và tài trợ khủng bố

Logo của FATF tại trụ sở của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đặt tại Paris, Pháp ngày 18/10/2019. Ảnh: Reuters

Myanmar có vị trí địa lý nằm tại trung tâm của vùng “Tam giác vàng” - khu vực chuyên sản xuất và buôn bán ma túy bất hợp pháp ở châu Á - Thái Bình Dương. Đất nước này còn tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng khác trong việc khai thác các kim loại quý trái phép như vàng bạc, ngọc thạch; buôn bán vũ khí và khai thác gỗ, theo báo cáo năm 2018 của FATF.

Giao lộ Shwegontai - một trong những giao lộ đông đúc nhất tại Yangon - thành phố lớn nhất Myanmar. Ảnh: Reuters

Báo cáo này cũng lưu ý rằng hoạt động của các nhóm tội phạm xuyên quốc gia quy mô lớn ở Myanmar vốn có liên quan chặt chẽ với các nhóm người dân tộc thiểu số có vũ trang.

Ngoài ra, báo cáo của FATF cũng nhận định tham nhũng hiện vẫn là một thách thức rất quan trọng ở Myanmar khi các tổ chức tài chính và doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước tại đây đều cho thấy hệ thống quy định còn lỏng lẻo và năng lực điều hành yếu kém.

Bình luận