Chờ...

New Zealand cấm 'hóa chất vĩnh viễn' trong đồ trang điểm

VOH - New Zealand chuẩn bị trở thành một trong những quốc gia đầu tiên cấm "hóa chất vĩnh viễn" có hại trong các sản phẩm mỹ phẩm, các cơ quan giám sát môi trường cho biết hôm 31/1.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường cho biết, họ sẽ cấm các chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl lâu dài - được gọi là PFAS hay "hóa chất vĩnh viễn" - vào năm 2027.

mỹ phẩm
PFAS có trong nhiều sản phẩm như sơn móng tay, kem cạo râu, kem nền, son môi và mascara giúp sản phẩm dễ tán và chống nước

Được tìm thấy trong các sản phẩm như sơn móng tay, kem cạo râu, kem nền, son môi và mascara, PFAS giúp sản phẩm bền hơn, dễ tán và chống nước.

Chúng hầu như không thể bị phá hủy nhưng có thể tích tụ trong cơ thể theo thời gian và các nghiên cứu đã liên kết chúng với bệnh ung thư, vô sinh và tổn hại môi trường.

Shaun Presow từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường nói với AFP: “Mối lo ngại của chúng tôi là hóa chất này không bị phân hủy trong cơ thể hay môi trường. Khi chúng tích tụ sẽ dẫn đến một loạt tác hại, như một số bệnh ung thư và các vấn đề về nội tiết tố".

Ngành công nghiệp mỹ phẩm có thời hạn đến ngày 31/12/2026 để loại bỏ dần việc sử dụng hóa chất. New Zealand cũng sẽ cấm sử dụng PFAS trong bọt chữa cháy từ tháng 12/2025.

Một số tiểu bang của Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách bảo vệ người dân khỏi PFAS và Liên minh Châu Âu đang cân nhắc lệnh cấm, nhưng Presow cho biết, New Zealand là một trong những quốc gia đầu tiên cấm hóa chất này trong mỹ phẩm.

Tháng 8/2023, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) công bố dữ liệu chính thức cho thấy nước uống của hàng trăm cộng đồng trên khắp nước Mỹ chứa hàm lượng hóa chất độc hại nguy hiểm.

Kết quả phân tích dữ liệu của EPA do Tổ chức Làm việc Môi trường (EWG), trụ sở Washington D.C, thực hiện ước tính có đến 26 triệu người đang uống nước nhiễm hàm lượng nguy hiểm "hóa chất vĩnh viễn".

Các cuộc nghiên cứu đã xác định sự liên hệ giữa nhóm hóa chất trên với các chứng ung thư, suy giảm miễn dịch, có hại cho sức khỏe sinh sản và ảnh hưởng đến sự phát triển ở trẻ em.

Bình luận