Chờ...

Nga: Anh muốn biến Ukraine thành 'vùng đất câm lặng' khi cung cấp đạn uranium nghèo

(VOH) - Ngày 10/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bày tỏ quan ngại khi Anh muốn cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine.

Trên Telegram, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đăng tải: "Vương quốc Anh, bằng cách cung cấp vũ khí uranium đã cạn kiệt (uranium nghèo) cho Kiev, muốn biến lãnh thổ Ukraine thành một vùng đất bị thiêu rụi và hoang vắng. Sẽ không còn tiếng Nga, tiếng Ukraine ở đó, sẽ chỉ có sự im lặng, giống như ở Pripyat và Chernobyl."

Theo bà Zakharova, đạn uranium nghèo từng được sản xuất hàng loạt, sử dụng trong các hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chủ yếu do quân đội Italy đảm nhiệm. Bà cho biết binh lính Italy và những người dân ở Liên bang Nam Tư cũ - nơi quân đội Italy phụ trách đều là những nạn nhân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của loại đạn này.

Nga: Anh muốn biến Ukraine thành 'vùng đất câm lặng' khi cung cấp đạn uranium nghèo
Kỹ thuật viên xử lý bom mìn thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia Không quân Mỹ di dời an toàn trên 500 quả đạn uranium nghèo tại Kho quân sự Tooele, bang Utah, ngày 23/6/2022 - Ảnh: Insider

Cho đến nay, vẫn còn nhiều người dân Italy đâm đơn kiện Bộ Quốc phòng nước này vì những di chứng để lại đối với sức khỏe khi phải xử lý loại đạn này trước đây, trong đó chủ yếu là mắc bệnh ung thư.

Tuyên bố của bà Zakharova được đưa ra sau khi đại diện Bộ Quốc phòng Anh Annabel Goldie thông báo, London sẽ cung cấp cho Kiev đạn chứa uranium nghèo nhằm tăng hiệu quả trong việc tiêu diệt các phương tiện bọc thép. Bộ Quốc phòng Anh mô tả uranium nghèo là một thành phần tiêu chuẩn của đạn xuyên giáp, đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ.

Bình luận về quyết định của nhà chức trách Anh, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẽ buộc phải đáp trả tương ứng với thực tế rằng “phương Tây đã bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân”.

Nga: Anh muốn biến Ukraine thành 'vùng đất câm lặng' khi cung cấp đạn uranium nghèo
Đạn chứa uranium nghèo tiềm ẩn những rủi ro lâu dài với sức khỏe người bị phơi nhiễm - Ảnh: Insider

Uranium nghèo (DU) là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium vốn cần thiết để tạo ra vũ khí hạt nhân. Mặc dù kém mạnh hơn nhiều so với uranium được làm giàu và không có khả năng tạo ra phản ứng hạt nhân, nhưng uranium nghèo vẫn là vật chất cực kỳ đặc - với mật độ đặc hơn chì - một yếu tố khiến nó trở thành một nguyên liệu mạnh mẽ trong chế tạo đạn dược.

Uranium nghèo thích hợp để làm đạn xuyên giáp vì dễ cháy. Khi va chạm với một mục tiêu cứng, chẳng hạn như xe bọc thép, mũi của đạn DU gãy, tác động và giải phóng năng lượng nhiệt tiếp theo khiến nó bốc cháy, đốt cháy đạn dược và nhiên liệu, sát thương tổ lái và có thể khiến chiếc xe phát nổ. 

Mỹ và NATO đã sử dụng các loại đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, chiến tranh Bosnia, Serbia, cuộc chiến Vùng Vịnh năm 2003, và chiến dịch không kích khủng bố ISIS ở Syria. 

Bình luận