Chờ...

Nga kêu gọi đối thoại bình đẳng về Hiệp ước Bầu trời mở

(VOH) - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 6/7 kêu gọi các bên liên quan tiến hành đối thoại bình đẳng về Hiệp ước Bầu trời mở (OST).

Ông Ryabkov đã tham gia cuộc họp trực tuyến các thành viên OST vào ngày 6/7 để bàn về tương lai của hiệp ước này.

Phát biểu trước báo giới ngay sau cuộc họp, ông Ryabkov cho biết phần lớn các đại biểu tham dự cuộc họp đều lấy làm tiếc về quyết định rút khỏi OST của Mỹ, nhưng cũng có đại biểu cố đổ lỗi cho Nga về quyết định ra đi của Mỹ.

hiệp ước Bầu trời mở

Nếu nỗ lực giữ Hiệp ước Bầu trời Mở thất bại, các nước sẽ mất đi một cơ chế thu thập dữ liệu thông tin hợp pháp về cơ sở hạ tầng quân sự của nhau. (Ảnh minh họa: Defence Talk)

Ông Ryabkov cho rằng, các bên liên quan nên tiến hành đối thoại về OST trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên đối phương.

Ông Ryabkov cũng nói thêm rằng, các bên liên quan cần nghiêm túc phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng như hiện nay, qua đó nỗ lực khắc phục những bất đồng và tiếp tục duy trì hiệp ước này.

Được biết, Ủy ban tư vấn Hiệp ước Bầu trởi mở sẽ nhóm họp tại thủ đô Vienna của Áo vào tuần tới. Ngoài ra, các bên liên quan sẽ tổ chức cuộc họp thảo luận về hiệp ước này vào tháng 10 tới. Nhưng với những gì đang diễn ra như hiện nay, khó có hy vọng rằng Mỹ sẽ thay đổi quyết định của mình.

Hiệp ước OST được ký kết vào năm 1992 và có hiệu lực kể từ năm 2002, cho phép các chuyến bay giám sát không có vũ trang trên toàn bộ lãnh thổ của tất cả các nước thành viên. Hiệp ước này được đưa ra nhằm để các quốc gia giám sát và minh bạch trong việc thực thi hiệp định kiểm soát vũ khí. Mỹ, Nga và phần lớn các nước NATO đều tham gia hiệp ước này.

Vào ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước ông từ bỏ thỏa thuận này với cáo buộc Nga lâu nay đã không tuân thủ nó. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố ngay sau đó rằng Washington sẽ chính thức rút khỏi OST trong 6 tháng trừ khi Moscow cam kết tuân thủ hiệp ước. Về phần mình, Nga phủ nhận cáo buộc vi phạm các điều khoản của OST và cho rằng những điều kiện mà Mỹ đưa ra để nước này tiếp tục tuân thủ các điều khoản của OST là “không thể chấp nhận”.

Quyết định rút khỏi OST của Mỹ đã dấy lên sự thất vọng từ các thành viên khác, bao gồm Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Phần Lan, Luxembourg, Hà Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Điển. Tổng thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Thomas Greminger cũng bày tỏ hy vọng rằng Mỹ sẽ xem xét lại quyết định của mình.

Bình luận