Chờ...

Nga sẽ phản ứng như thế nào với các biện pháp trừng phạt mới của EU?

(VOH) - Sau khi các thành viên EU nhất trí về gói trừng phạt thứ 9 chống lại Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, Điện Kremlin tuyên bố sẽ nghiên cứu gói trừng phạt này và sẽ đưa ra phản ứng.

Ngày 16/12, trả lời câu hỏi về sự sẵn sàng của Nga đối với các lệnh trừng phạt mới của EU, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nêu rõ trước hết Moskva cần tìm hiểu gói trừng phạt thứ 9 này và sau đó sẽ có hành động phù hợp - Theo TASS.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters)

Xem thêm: Nga dự chi 32,3 tỷ USD kích thích kinh tế sau loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây

Trước đó, đại sứ của 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 9 chống lại Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó có lập danh sách đen gần 200 cá nhân và tổ chức, nhắm mục tiêu ba ngân hàng và cấm nhiều kênh truyền hình Nga…

EU dự kiến sẽ ngăn chặn Moskva tiếp cận các thiết bị bay không người lái, áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào lĩnh vực khai khoáng và năng lượng của Nga.

Quy định kiểm soát và hạn chế xuất khẩu đối với các hóa chất thiết yếu, chất độc thần kinh, linh kiện điện tử và công nghệ thông tin mà Nga có thể sử dụng...

Dự kiến gói trừng phạt này sẽ được thông qua trong ngày 16/12 bằng văn bản, nghĩa là không cần thảo luận thêm.

Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hồi tháng 2, EU đã áp đặt 8 vòng trừng phạt chưa từng có đối với Nga, nhắm mục tiêu hoạt động xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt của Moskva.

Nhưng các nhà ngoại giao cảnh báo rằng EU ngày càng không còn cách nào để gây tổn hại nền kinh tế Nga, khi cuộc chiến đã kéo dài đến tháng thứ 10.

Tránh nhắm mục tiêu vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga trong gói trừng phạt mới vì lo ngại tiếp tục đẩy giá năng lượng lên cao. EU cũng tránh các lĩnh vực quan trọng đối với từng quốc gia thành viên, như khai thác kim cương.

EU, cùng các đối tác trong G7, tuần trước áp giá trần dầu thô Nga bán trên thị trường thế giới nhằm hạn chế ngân sách dành cho chiến sự của Moskva.

Lệnh cấm nhập khẩu dầu thô bằng đường biển từ Nga của EU cũng đã có hiệu lực, sau khi được thống nhất vào đầu năm nay.

Bình luận