Chờ...

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm, thảo luận chiến sự ở Ukraine

(VOH) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin với nội dung tăng cường quan hệ song phương và thảo luận tình hình tại Ukraine.

Theo cơ quan truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc điện đàm với Nga, cả hai vị nguyên thủ ngoài những trao đổi về tăng cường hợp tác song phương thì tiếp tục có những thảo luận xung quanh tình hình tại Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ mong muốn góp phần sớm kết thúc chiến sự tại Ukraine bằng đàm phán hòa bình.

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm, thảo luận chiến sự ở Ukraine
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp bên lề trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tổ chức tại Uzbekistan ngày 16/9/2022. Ảnh: Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên NATO ở thế “trung lập tích cực” khi có mối quan hệ tốt đẹp với cả Ukraine và Nga. Khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, một số quốc gia trung lập đã phần nào từ bỏ vị thế này bằng những chọn lựa riêng, chẳng hạn như Thụy Điển, Phần Lan với quyết định gia nhập NATO; hay Thụy Sĩ với việc hưởng ứng lời kêu gọi của EU cấm vận hàng Nga từ ngày 3/8.

Tuy nhiên, Tổng thống Tayyip Erdogan không chọn bước đi này. Thay vào đó, vị lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố trung lập, làm việc cùng lúc trên hai mặt trận và thu lợi từ các bên. Nước này luôn tìm cách cân bằng mối quan hệ giữa các bên trong suốt thời gian diễn ra chiến sự, khi vừa phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, đồng thời cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Nga và hỗ trợ các thiết bị quân sự cho Ukraine.

Một số động thái của Thổ Nhĩ Kỳ có thể kể đến như đẩy mạnh việc mua thiết bị phòng không - đặc biệt là hệ thống S-400 của Nga. Trong khi đó, Ankara cũng biết cách làm Mỹ nguôi giận bằng việc thúc đẩy phi vụ mua máy bay chiến đấu F-16.

Ngoài ra, cùng với Liên Hiệp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là trung gian trong thỏa thuận hồi tháng 7 về việc cho phép ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu thông qua Biển Đen, và là đối tác chính giúp Nga lách cấm vận trong việc xuất khẩu ngũ cốc. Đây được xem là nỗ lực ngoại giao quan trọng nhất trong suốt thời gian hơn 7 tháng từ lúc diễn ra xung đột đến nay.

Nga và Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc

Thực tế, mối quan hệ giữa Ankara và Moscow được đánh giá là khá phức tạp, khi hai nước có sự hợp tác chặt chẽ trong vấn đề năng lượng nhưng vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn về những vấn đề ở Syria, Libya và Azerbaijan.

Trước đó vào ngày 3/8, tại Hội nghị các đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ở thủ đô Ankara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu không ngần ngại tiết lộ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị chậm nhưng chắc cho thế giới "hậu Ukraine".

Hãng tin Anadolu trích lời của ông Mevlut Cavusoglu cho biết: "Cái chính của chúng tôi là bảo vệ lợi ích chung. Trong quá trình hình thành một kiến trúc an ninh mới ở châu Âu, cần phải hành động cực kỳ chu đáo. Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị cho điều này ngày hôm nay."

Bình luận