Chờ...

Người dân châu Âu đang hít thở bầu không khí độc hại

VOH - Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng khi hầu hết mọi người trên khắp lục địa này đều sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm.

The Guardian đã làm việc với các chuyên gia về ô nhiễm để thiết lập một bản đồ tương tác, cho thấy những khu vực bị ô nhiễm nặng nề nhất ở châu Âu.

Quy định hiện hành của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rõ rằng nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm không được vượt quá 5 µg/m3. Phân tích mới cho thấy chỉ có 2% dân số châu Âu sống ở các khu vực nằm trong giới hạn này. Các chuyên gia cho biết ô nhiễm PM2.5 gây ra khoảng 400.000 ca tử vong mỗi năm trên khắp châu Âu.

ô nhiễm
Thủ đô Skopje - Bắc Macedonia là một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới vì vị trí tự nhiên và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch

Cuộc điều tra của tờ The Guardian cho thấy, 98% người dân châu Âu hít thở không khí ô nhiễm có hại nghiêm trọng, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 vượt quá quy định của WHO.

Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu là Bắc Macedonia. Gần 2/3 số người dân nước này sống ở những khu vực có nồng độ PM2.5 cao hơn 4 lần so với quy định của WHO. Bốn khu vực ở nước này có mức ô nhiễm không khí cao gần gấp 6 lần, trong đó có cả thủ đô Skopje.

Chất lượng không khí ở Đông Âu tồi tệ hơn nhiều so với Tây Âu. Hầu hết người dân ở 7 quốc gia Đông Âu gồm Serbia, Romania, Albania, Bắc Macedonia, Ba Lan, Slovakia và Hungary đều chịu cảnh ô nhiễm bụi mịn gấp đôi so với quy định của WHO.

Hơn một nửa dân số Bắc Macedonia và Serbia sống trong môi trường độc hại gấp 4 lần so với tiêu chuẩn của WHO.

Tại Đức, 3/4 dân số hít thở không khí ô nhiễm gấp đôi so với mức của WHO. Ở Tây Ban Nha, con số đó là 49% và ở Pháp là 37%.

Tại Anh, 3/4 dân số sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm cao gấp từ 1 đến 2 lần so với quy định của WHO, gần 1/4 dân số chịu cảnh ô nhiễm hơn gấp đôi so với giới hạn đó.

Gần 30 triệu người châu Âu đang sống ở những khu vực có nồng độ bụi mịn cao ít nhất gấp 4 lần con số của WHO.

Tuy nhiên, ở Thụy Điển, không có khu vực nào mà mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 cao hơn gấp đôi con số của WHO. Một số khu vực ở phía Bắc Scotland nằm trong số ít khu vực trên khắp châu Âu nằm dưới mức đó.

Xem thêm: Sống chung với ô nhiễm không khí, đặc biệt do cháy rừng làm tăng nguy cơ mất trí nhớ

Giao thông, công nghiệp, sưởi ấm và nông nghiệp là những nguồn chính tạo ra bụi mịn PM2.5 và ô nhiễm không khí ảnh hưởng phần lớn đến những khu vực nghèo khó nhất.

Ô nhiễm không khí đã trở thành một vấn đề lớn ở châu Âu, khiến Liên minh châu Âu (EU) phải chịu áp lực hành động nhiều hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đang gia tăng. Tuần trước, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua quy định của WHO về PM2.5 vào năm 2035.

Luật này sẽ đặt ra giới hạn ràng buộc về mặt pháp lý đối với nồng độ PM2.5 hàng năm là 5µg/m3, giảm từ mức 25µg/m3 hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần phải hành động khẩn cấp ngay bây giờ.

Bình luận