Chờ...

Nhật Bản sẽ xả hàng triệu tấn nước nhiễm xạ ở Fukushima vào Thái Bình Dương?

(VOH) - Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản hôm nay 10/9 cho biết, Công ty điện lực Tokyo sẽ phải tiến hành xả trực tiếp nước nhiễm xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima vào Thái Bình Dương

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản đã phải chịu một cuộc khủng hoảng tàn khốc vào năm 2011, khi các trận động đất và sóng thần đã phá hủy các lò phản ứng, buộc dân cư quanh khu vực đó phải di tản khẩn cấp. Từ đó tới nay, tin tức về thảm họa này đã giảm đáng kể khi những nỗ lực trong việc dọn dẹp và ngăn chặn rò rỉ phóng xạ vẫn đang tiếp diễn.

Nhưng hiện tại, với nguồn nước bị ô nhiễm từ nhà máy tiếp tục được xả ra chồng chất, công ty xử lý việc lưu trữ cho biết chỉ cần vài năm nữa là họ hết không gian để chứa chúng. Nước nhiễm độc, là hỗn hợp nước từ lò phản ứng, nước ngầm và nước mưa hòa lẫn với nhau, sẽ nhanh chóng bị tràn.

Khối nước nhiễm xạ khổng lồ - ước tính khối lượng lên đến hơn một triệu tấn tính đến tháng 8 năm nay, và Công ty điện lực Tokyo (Tepco) cho biết lượng lưu trữ tối đa sẽ đạt đến giới hạn vào năm 2022.

Thật không may, quyết định những gì sẽ cần phải làm với nước phóng xạ là một chủ đề đang gây tranh luận gây gắt, mà vẫn chưa tìm được hướng giải quyết. Rõ ràng, không thể lưu trữ nhiều nước như vậy mãi mãi, và việc chúng là nước bị ô nhiễm phóng xạ làm phức tạp vấn đề lên rất nhiều.

Nhật Bản sẽ xả nước nhiễm xạ ở Fukushima vào Thái Bình Dương

Những bể chứa nước nhiễm xạ từ thảm họa sóng thần năm 2011 thuộc quản lý của Tepco ở Fukushima (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản - ông Yoshiaki Harada phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo cho biết: "Lựa chọn duy nhất để xử lý số nước này là xả vào đại dương và làm loãng nó đi. Cả chính phủ sẽ thảo luận về vấn đề này, nhưng có lẽ tôi sẽ đề nghị ý kiến đơn giản của mình." Tuy nhiên, ông Harada chưa cho biết bao nhiêu trong số nước này cần phải xả vào đại dương.

Quyết định cuối cùng của chính phủ về việc phá hủy số nước bị nhiễm xạ này sẽ còn chờ vào báo cáo đến từ nhóm các chuyên gia môi trường. Các quan chức của Tepco chưa đưa ra bình luận ngay lập tức về phát biểu trên.

Nếu việc xả nước nhiễm xạ này vào đại dương được thực hiện sẽ gây nên sự phản đối mạnh mẽ từ những nước láng giềng Nhật Bản, trong đó có Hàn Quốc. Nước này đã triệu tập một quan chức cao cấp tại Đại sứ quán Nhật Bản để yêu cầu giải thích về cách mà Nhật Bản dự định thực hiện khi xử lý số nước nhiễm độc ở Fukushima.

Theo giới quan sát, vấn đề chất thải trên biển hiện đang "nóng" trên toàn cầu. Như vậy, bất cứ thứ gì bị thải ra biển cũng có thể gây phẫn nộ cho các nước láng giềng nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

Trên thực tế, các nhà máy hạt nhân ven biển vẫn thường thải ra đại dương nước thải có chứa chất phóng xạ tritium - một đồng vị khó phân tách của hydro, được cho là tương đối vô hại. Tuy nhiên, năm 2018, TEPCO đã thừa nhận trong bể chứa vẫn có chất gây ô nhiễm khác bên cạnh tritium.

Hiện tại, lựa chọn hợp lý nhất dường như là việc xả nước một cách chậm rãi vào Thái Bình Dương, tức là dần dần đưa nó trở lại môi trường. Các chuyên gia hạt nhân ủng hộ điều này, nhưng ngành công nghiệp đánh bắt cá địa phương - bao gồm các doanh nghiệp thủy sản lớn trên toàn Nhật Bản - phản đối mạnh mẽ vì họ sợ rằng nó có thể phá vỡ các quần thể cá.

Có một vài lựa chọn khác, bao gồm làm bay hơi nước hoặc bơm nó xuống sâu dưới lòng đất. Nhưng không có quyết định chắc chắn nào được đưa ra về vấn đề này. Việc ngừng hoạt động hoàn toàn của cơ sở hạt nhân Fukushima sẽ mất nhiều thời gian và quyết định nơi để trữ nước phóng xạ trên thực tế vẫn chỉ là một mảnh nhỏ trong một câu đố lớn. Tuy nhiên, tất cả vẫn hy vọng lời giải sẽ sớm được tìm ra.

Bình luận