Bản đồ kỹ thuật số của Cơ quan Thông tin Không gian Địa lý Nhật Bản (GSI) gần đây cho thấy, có 14.125 hòn đảo trên lãnh thổ Nhật Bản, nhiều hơn gấp đôi con số 6.852 đảo đã được công bố chính thức kể từ báo cáo năm 1987 của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản.
Con số mới không bao gồm bất kỳ vùng đất nhân tạo nào - theo CNN.
GSI nhấn mạnh rằng, con số mới phản ánh những tiến bộ trong công nghệ khảo sát và chi tiết của các bản đồ được sử dụng, tuy nhiên phát hiện này không làm thay đổi tổng diện tích đất mà Nhật Bản sở hữu.

Bản đồ của đất nước Nhật Bản từng được Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản thực hiện vào năm 1987. Vào thời điểm đó, họ quyết định không đếm tất cả các đảo có chu vi dưới 100 mét.
Thêm vào đó, công nghệ sử dụng chưa hiện đại để phân biệt giữa các nhóm đảo nhỏ và đảo lớn độc lập, dẫn đến hàng nghìn hòn đảo không được ghi nhận. Ngoài những hòn đảo đó, nhiều hòn đảo khác đã xuất hiện trong nhiều năm sau hoạt động núi lửa trong khu vực.
Bản đồ sửa đổi sử dụng định nghĩa của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển về đảo: đảo là "một vùng đất được hình thành tự nhiên, được bao quanh bởi nước, nổi trên mặt nước khi thủy triều lên". Điều này có nghĩa là các bãi cát lớn trước đây bị loại bỏ khỏi bản đồ hiện nay cũng được coi là đảo.
Thông tin về số lượng đảo của Nhật được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục gia tăng về vấn đề chủ quyền đối với một nhóm đảo không có người sinh sống ở Biển Hoa Đông.
Nhật Bản cho rằng, họ có yêu sách lịch sử đối với quần đảo Senkaku không người ở ở Biển Hoa Đông mà nước này đang quản lý, nhưng Trung Quốc đã nhiều lần thách thức yêu sách đó.
Nhật Bản cũng đưa ra yêu sách đối với quần đảo Kuril phía nam do Nga nắm giữ. Tokyo gọi quần đảo Kuril là Lãnh thổ phía Bắc và tranh chấp bắt đầu diễn ra từ cuối Thế chiến II, khi quân đội Liên Xô chiếm giữ chúng từ Nhật Bản.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng vướng tranh chấp kéo dài hơn 70 năm về chủ quyền của một nhóm đảo nhỏ mà Seoul gọi là Dokdo còn Tokyo gọi là Takeshima ở khu Biển Nhật Bản.