Chờ...

Nhóm nghiên cứu của WHO đến Vũ Hán điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19

(VOH) – Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã đến thành phố nơi bắt nguồn của dịch COVID-19 tại Trung Quốc hôm 14/1 để tiến hành điều tra nguồn gốc đại dịch.

Nhóm nghiên cứu gồm 10 thành viên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cử đến và được chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình phê chuẩn sau nhiều tháng tranh cãi về mặt ngoại giao khiến người đứng đầu WHO khiếu nại công khai.

nhom-dieu-tra-covid-19-voh.com.vn
Nhóm điều tra nguồn gốc COVID-19 đã đến Vũ Hán (Trung Quốc). Ảnh: AP

 Các nhà khoa học nghi ngờ rằng chủng virus đã làm chết 1,9 triệu người kể từ cuối năm 2019 truyền từ dơi hoặc động vật khác, sang người, rất có thể xuất phát từ phía tây nam Trung Quốc. Phía Trung Quốc cho biết virus này đến từ nước ngoài, có khả năng là thông qua các hải sản nhập khẩu, nhưng các nhà khoa học bác bỏ điều này.

Nhóm nghiên cứu đáp xuống sân bay Vũ Hán hồi 11 giờ sáng trên chuyến bay của hãng hàng không Scoot và di chuyển xuyên qua một đường hầm tạm được thiết kế bằng nhựa trong để đi vào sân bay. Các nhà nghiên cứu, chỉ đeo khẩu trang, được các nhân viên sân bay chào đón trong trang phục bảo hộ với kính, mặt nạ, găng tay.

Các thành viên nhóm bao gồm các chuyên gia về virus và các lĩnh vực khác đến từ Mỹ, Australia, Đức, Nhật Bản, Anh, Nga, Hà Lan, Qatar và Việt Nam.

Một người phát ngôn của chính phủ trong tuần đã nói rằng nhóm này sẽ trao đổi quan điểm với các nhà khoa học Trung Quốc nhưng không biết liệu nhóm này có được phép thu thập chứng cứ hay không.

Nhóm nghiên cứu sẽ trải qua giai đoạn cách ly hai tuần cũng như các xét nghiệm COVID-19 khác như xét nghiệm dịch nhầy mũi họng và xét nghiệm kháng thể, theo kênh tiếng Anh CGTN của truyền hình CCTV. Họ cũng sẽ bắt đầu làm việc với các chuyên gia Trung Quốc qua hội nghị bằng video trong khi cách ly.

Trung Quốc đã từ chối yêu cầu có một cuộc điều tra quốc tế sau khi chính quyền Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh về sự lây lan của virus, là dịch bệnh đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy sụp trầm trọng nhất kể từ sau những năm 1930.

Sau lời kêu gọi của Australia hồi tháng 4/2020 cho một cuộc điều tra độc lập, Bắc Kinh đã đáp trả bằng việc cấm nhập khẩu thịt bò, rượu vang và các hàng hóa khác của nước này.

Một khả năng có thể xem xét đó là một kẻ săn trộm động vật hoang dã đã truyền virus sang cho những người vận chuyển số động vật này sang Vũ Hán, một thành viên trong nhóm của WHO, nhà động vật học Peter Daszak của tổ chức EcoHealth Alliance của Mỹ, nói với AP hồi tháng 11.

Chuyến đi duy nhất của các chuyên gia có thể vẫn chưa xác định được nguồn gốc của virus. Việc triệt hạ ổ dịch trong nhóm động vật thường đòi hỏi nỗ lực toàn diện, phải mất nhiều năm nghiên cứu bao gồm lấy mẫu trong động vật, phân tích di truyền và nghiên cứu dịch tễ học.

Kể từ sau khi đại dịch bùng phát, chính phủ Trung Quốc đã mập mờ trong việc tuyên bố về nguồn gốc của virus, lập luận rằng virus được lây truyền từ nguồn hải sản nhập khẩu, cũng như hiện tại có ý phân tán sự chú ý bằng việc đề xuất nhóm điều tra tiến hành nghiên cứu thêm ở những nơi khác.

Một khả năng nằm trong trọng tâm điều tra của các chuyên gia là Viện Virus Vũ Hán ở thành phố nơi bùng phát dịch bệnh. Là một trong những phòng thí nghiệm nghiên cứu virus hàng đầu của Trung Quốc, nó đã xây dựng một kho lưu trữ thông tin di truyền về các virus corona trên dơi sau đợt bùng phát của Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) năm 2003.

Một số người trong nhóm điều tra của WHO đã lên đường đến Trung Quốc một tuần trước nhưng đã phải quay trở lại sau khi Bắc Kinh thông báo họ không nhận được thị thực hợp lệ.

Theo chương trình nghị sự được công bố của WHO về cuộc điều tra này, không có kế hoạch cho việc đánh giá liệu có thể có sự phát tán ngẫu nhiên virus corona tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không, như một vài chính trị gia của Mỹ trong đó có Tổng thống Donald Trump đã nói.

Mark Woolhouse, một nhà dịch tễ học tại Đại học Edinburgh, cho biết “cuộc kiểm tra khoa học” đối với các hồ sơ và biện pháp an toàn của Viện sẽ là một “hoạt động thường xuyên”. Ông nói rằng điều đó phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng chia sẻ thông tin của chính quyền Trung Quốc.

Woolhouse cho biết nguồn gốc chính xác của SARS-CoV-2 có thể không bao giờ truy ra được vì virus thay đổi nhanh chóng.

Mặc dù việc tìm ra chính xác loại virus gây ra COVID-19 ở động vật cũng như ở người có thể là một thách thức, nhưng việc phát hiện ra rằng các chủng virus này có liên quan chặt chẽ có thể giúp giải thích cách dịch bệnh lây nhiễm lần đầu từ động vật và làm rõ các biện pháp phòng ngừa cần thiết để tránh dịch bệnh trong tương lai.

Thay vào đó, các nhà khoa học nên tập trung vào việc tạo ra một “bức tranh toàn diện” về virus để giúp ứng phó với các đợt bùng phát trong tương lai, Woolhouse nói.

Bình luận