Chờ...

Nội bộ Israel 'lục đục' về thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin với Hamas

VOH - Chính trường Israel đang trải qua những rạn nứt nghiêm trọng khi một thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin với Hamas đang gây ra những tranh cãi sâu sắc.

Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel Itamar Ben Gvir cùng với đồng minh là Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng rằng chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể sụp đổ nếu ông đồng ý với thỏa thuận này.

ucduc_voh
Chủ tịch đảng Otzma Yehudit, ông Itamar Ben Gvir, bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin với Hamas. - Ảnh: Getty Images

Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel, ông Itamar Ben Gvir, người đứng đầu đảng cực hữu Otzma Yehudit, đã thẳng thừng bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin mới được đề xuất. Theo ông Ben Gvir, thỏa thuận này sẽ chấm dứt xung đột với Hamas mà không đạt được mục tiêu chiến thắng hoàn toàn như ông Netanyahu từng hứa hẹn, đồng thời đặt ra nguy cơ an ninh lớn cho Israel.

Trong một tuyên bố mạnh mẽ, ông Ben Gvir cho rằng thỏa thuận này không chỉ là sự từ bỏ an ninh quốc gia mà còn là sự phản bội những nỗ lực chống lại Hamas. Ông nhấn mạnh rằng, đảng Otzma Yehudit sẽ không chấp nhận kết thúc xung đột theo cách này và cảnh báo rằng nếu Thủ tướng Netanyahu thông qua thỏa thuận, chính phủ của ông sẽ đối mặt với nguy cơ sụp đổ.

Thỏa thuận ngừng bắn này được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, theo đó Israel sẽ có một "lộ trình" hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện tại Dải Gaza để đổi lấy việc trả tự do cho các con tin. Đề xuất này bao gồm ba giai đoạn, bắt đầu bằng một lệnh ngừng bắn toàn diện kéo dài 6 tuần. Sau đó, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch, và cuối cùng là kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.

Tuy nhiên, sự phản đối từ Bộ trưởng Ben Gvir và đồng minh Bezalel Smotrich cho thấy có một sự phân hóa rõ rệt trong nội bộ chính phủ Israel về cách tiếp cận xung đột với Hamas.

Trong khi đó, ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan, đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken để thảo luận về tình hình ở Gaza và các giai đoạn của thỏa thuận ngừng bắn do Tổng thống Biden đề xuất. Hoàng tử Faisal bày tỏ sự ủng hộ đối với mọi nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức, cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho dân thường và đảm bảo sự trở về an toàn của những người dân phải sơ tán vì xung đột.

Cùng lúc, Chile thông báo tham gia vụ kiện của Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) nhằm vào chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza. Tổng thống Chile Gabriel Boric đã mô tả tình hình ở Gaza là "thảm kịch nhân đạo" và kêu gọi cộng đồng quốc tế có phản ứng cứng rắn. Ông nhấn mạnh rằng xung đột ở Gaza là "không có lý do chính đáng" và "không thể chấp nhận được."

Ngày 29/12/2023, Nam Phi đã đề nghị ICJ tiến hành các thủ tục tố tụng đối với Israel, cáo buộc nước này vi phạm Công ước Diệt chủng năm 1948 liên quan đến người Palestine ở Dải Gaza. Ngày 26/1/2024, ICJ đã ra phán quyết yêu cầu Israel thực hiện mọi biện pháp có thể để ngăn chặn các hành động diệt chủng đối với người Palestine. Ngày 6/3/2024, Nam Phi tiếp tục đề nghị ICJ ban hành lệnh khẩn cấp đối với Israel nhằm chấm dứt nạn đói lan rộng ở Dải Gaza. Đến ngày 28/3/2024, ICJ đã yêu cầu Israel đảm bảo viện trợ cơ bản đến được với người dân Palestine.

Bình luận