Chờ...

Nông dân châu Âu gây sức ép trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU

VOH - Nông dân Bỉ đưa khoảng 1.000 máy kéo đến chặn hầu hết các khu phố Âu của Brussels, biểu tình phản đối chi phí sản xuất tăng, EU siết chính sách quản lý môi trường và thực phẩm nhập khẩu giá rẻ.

Nhiều nông dân trẻ từ miền Nam Bỉ, đặc biệt là từ các vùng Seneffe, Tournai hoặc Liège đến thủ đô Brussels để hưởng ứng cuộc biểu tình. Nhiều người nước ngoài cũng tham gia cuộc biểu tình này.

Tại quảng trường Place du Luxembourg trước Nghị viện châu Âu (EP), người biểu tình đã đốt lửa, đốt rác thải, gây ra khói đen dày đặc tại khu vực này. Họ cũng ném trứng vào tòa nhà Nghị viện châu Âu.

Hoạt động biểu tình của nông dân đã khiến giao thông tại Brussels bị gián đoạn. Đường hầm Annie Cordy và Madou hướng tới Gare du Midi hiện bị đóng cửa không cho xe cộ qua lại. Khu vực Place du Luxembourg và các tuyến phố lân cận cũng bị phong tỏa.

Cảnh sát cho biết để đề phòng những cuộc bạo động, đường hầm Reyers-Centre cũng sẽ bị đóng cửa.

Nông dân châu Âu gây sức ép trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU
Máy kéo của nông dân tại quảng trường Place du Luxembourg - Ảnh: The Brussels Times

Nông dân tiến hành biểu tình nhằm phản đối các hiệp định thương mại tự do như với nhóm Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, lên án các tiêu chuẩn châu Âu “khó hiểu” và yêu cầu mức giá “công bằng” cho các sản phẩm bán cho ngành nông nghiệp.

Cuộc biểu tình rầm rộ của nông dân ở Pháp, nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) cũng kéo dài hơn hai tuần nay.

Khoảng 1.000 nông dân ngày 29/1 tăng sức ép lên chính phủ bằng cách lái 500 máy kéo phong tỏa các tuyến cao tốc dẫn vào thủ đô Paris, đốt rơm khô chặn một phần lối vào sân bay Toulouse.

Nông dân Pháp hi vọng hành động của mình và nông dân những nước khác sẽ thu hút sự chú ý của các chính trị gia đang tập trung vào viện trợ cho Ukraine và ngân sách của EU.

Nhiều cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở Đức và Hà Lan, trước thềm cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 6, trong bối cảnh nông dân nhiều nước châu Âu cho rằng họ không được trả đủ lương, bị bóp nghẹt bởi các quy định bảo vệ môi trường, đồng thời bị cạnh tranh không lành mạnh bởi hàng nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine và những quốc gia khác.

Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh bất thường vào ngày 1/2.

Mặc dù cuộc khủng hoảng của nông dân không phải là nội dung chính tại hội nghị lần này, nhưng có thể sẽ được các nhà lãnh đạo EU thảo luận, ít nhất là bên lề sự kiện.

Bình luận