Chờ...

Núi lửa Iceland phun trào, lo ngại du lịch bị ảnh hưởng

VOH - Vào cuối ngày 18/12 trên bán đảo Reykjanes ở phía tây nam Iceland, núi lửa đã phun ra dung nham và khói cao hơn 100 mét vào không khí sau nhiều tuần hoạt động địa chấn dữ dội.

Chính phủ Iceland cho biết: “Vụ phun trào không gây ra mối đe dọa đến tính mạng. Không có sự gián đoạn nào đối với các chuyến bay đến và đi từ Iceland và các hành lang bay quốc tế vẫn mở”.

Nhà chức trách tháng trước đã sơ tán gần 4.000 cư dân ở thị trấn Grindavik, cách thủ đô Reykjavik khoảng 40 km về phía tây nam, cho phép họ quay lại không liên tục để kiểm tra những ngôi nhà có nguy cơ bị động đất ảnh hưởng.

núi lửa
Bức ảnh chụp từ máy bay không người lái cho thấy, dung nham phun ra từ địa điểm phun trào núi lửa ở phía bắc Grindavik - Ảnh: Reuters

Dung nham phun ra từ một ngọn núi lửa ở Iceland dường như đang chảy lệch ra khỏi hướng thị trấn gần đó và cường độ phun trào đang giảm xuống, mang lại hy vọng rằng các ngôi nhà sẽ được an toàn - dù hoạt động địa chấn có thể kéo dài nhiều tháng, các quan chức cho biết vào ngày 19/12.

Dòng dung nham đã giảm từ 200-250 mét khối mỗi giây trong hai giờ đầu tiên sau vụ phun trào xuống còn khoảng 1/4 vào sáng 19/12. Phần lớn dung nham đang chảy vào khu vực có ít cơ sở hạ tầng. 

Chính phủ cho biết, các chuyến bay khó có thể bị ảnh hưởng, xóa bỏ những lo ngại về sự hỗn loạn du lịch quốc tế do những đám mây tro như vụ phun trào trên hòn đảo phía bắc Đại Tây Dương vào năm 2010.

Vụ phun trào đã mở ra một vết nứt dài 4 km. Nhưng ở điểm cực nam, vết nứt vẫn cách Grindavik 3 km, Văn phòng Khí tượng Iceland cho biết.

Nhà địa chất Bjorn Oddson nói với đài truyền hình RUV: “Vụ phun trào đang diễn ra ở phía bắc lưu vực sông nên dung nham không chảy về phía Grindavik”.

Các quan chức cho biết, ô nhiễm khí gas vẫn có thể xảy ra ở khu vực Reykjavik vào cuối ngày 19 hoặc sáng 20/12.

Nằm giữa các mảng kiến ​​tạo Á-Âu và Bắc Mỹ, một trong những mảng kiến ​​tạo lớn nhất hành tinh, Iceland là một điểm nóng địa chấn vì các mảng kiến ​​tạo di chuyển theo hướng ngược nhau.

Năm 2010, đám mây tro bụi từ vụ phun trào của núi lửa Eyafjallajokull ở phía nam Iceland đã lan rộng ra phần lớn châu Âu, khiến khoảng 100.000 chuyến bay ở châu Âu và xa hơn phải dừng bay, buộc hàng trăm người Iceland phải sơ tán khỏi nhà.

Tác động năm 2010 đối với du lịch hàng không phần lớn là do sự tương tác của magma với nước tan từ sông băng, một kịch bản khác với những gì đang xảy ra hiện nay.

Bình luận