Chờ...

Phần Lan đẩy nhanh các bước để gia nhập NATO

(VOH) - Ngày 5/12, Chính phủ Phần Lan cho biết đã đề nghị Quốc hội nước này chính thức thông qua hiệp ước thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).

Đây là một trong những bước chuẩn bị cho nước này trở thành thành viên của NATO khi được Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận.

Hiện 28/30 quốc gia NATO đã phê chuẩn hồ sơ xin gia nhập liên minh của Phần Lan, chỉ còn Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chưa phê chuẩn. Dự kiến, Hungary sẽ xem xét hồ sơ của Phần Lan và Thụy Điển vào đầu năm sau.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto đánh giá, việc Phần Lan gia nhập NATO quan trọng không chỉ đối với nước này mà còn đối với các nước thành viên NATO.

Xem thêm: Tổng thống Mỹ chính thức phê chuẩn việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto. (Ảnh: Anadolu)

Phát biểu với hãng tin Kyodo ngày 4/12, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết: “Việc gia nhập NATO chủ yếu là do các mối đe dọa hạt nhân của Nga”.

Với việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, “tình hình an ninh thực sự ở châu Âu đã thay đổi”, do đó, Phần Lan phải cân nhắc sẽ phản ứng ra sao và “nhận hỗ trợ từ đâu” trong trường hợp có mối đe dọa vũ khí hạt nhân và hóa học. Đây là yếu tố cơ bản khiến Phần Lan quyết định xin gia nhập NATO.

Sau khi được Quốc hội chính thức thông qua, Phần Lan còn phải trải qua khoảng 5 bước nữa mới có thể gia nhập được NATO.

Bước thứ nhất, các chuyên gia NATO và đại diện của những quốc gia riêng lẻ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để thảo luận nhằm đảm bảo quốc gia ứng cử viên sẵn sàng và có thể đáp ứng các nghĩa vụ cũng như cam kết chính trị, pháp lý, quân sự với tư cách thành viên NATO.

Bước thứ hai là quốc gia được mời gia nhập (Phần Lan) sẽ gửi một bức thư chính thức về ý định tới Tổng thư ký NATO, trong đó có nội dung rằng họ chấp nhận các nghĩa vụ của mình đối với khối quân sự này.

Bước thứ ba là NATO chuẩn bị các nghị định thư gia nhập Hiệp ước Washington - văn kiện thành lập NATO - cho quốc gia được mời tham gia.

Bước thứ tư là chính phủ các nước thành viên NATO cần phải nhất trí phê chuẩn nghị định thư, theo luật pháp của riêng quốc gia đó.

Bước cuối cùng là sau khi chính phủ của tất cả các thành viên NATO chấp thuận việc gia nhập, các thành viên NATO sẽ thông báo cho chính phủ Mỹ, nơi lưu ký Hiệp ước Washington. Sau đó, Tổng thư ký NATO mời các nước mới tham gia liên minh.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hay NATO là một liên minh quân sự được thành lập vào năm 1949 để ngăn chặn Liên Xô lúc đó đang trên đà phát triển rất mạnh ở Châu Âu.

NATO hoạt động như một hệ thống an ninh tập thể, trong đó các quốc gia thành viên đồng ý bảo vệ nhau trước bất kỳ cuộc tấn công nào vào một nước thành viên - một cam kết được ghi trong nguyên lý nổi tiếng nhất là Điều 5 hiến chương NATO.

NATO chỉ bao gồm 12 quốc gia khi được thành lập nhưng đã tăng gấp đôi quy mô trong những năm sau đó. NATO hiện có 30 quốc gia thành viên, bao gồm 2 quốc gia ở Bắc Mỹ và 28 quốc gia Châu Âu, trong đó có một số nước thuộc Liên Xô cũ.

Bình luận