Chờ...

Phát hiện thêm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây nhiễm nhanh

(VOH) - Biến thể mới được cho là liên quan đến tốc độ lây nhiễm gia tăng nhanh tại khu vực Đông Nam vùng England và phát triển nhanh hơn những biến thể trước đây.

Truyền thông Anh ngày 19/12 cho biết, các biện pháp khẩn cấp siết chặt phòng dịch sẽ được công bố sớm nhất, trong đó hạn chế đi lại giữa khu vực Đông Nam vùng England, bao gồm cả London và các khu vực còn lại của nước Anh.

Biến thể mới được cho là liên quan đến tốc độ lây nhiễm gia tăng nhanh tại khu vực Đông Nam vùng England và phát triển nhanh hơn những biến thể trước đây.

Phát hiện thêm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây nhiễm nhanh
Các binh sĩ làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Blackburn, phía Tây Bắc vùng England. Ảnh: AFP

Báo Telegraph đưa tin ngày 18/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã triệu tập một cuộc họp đột xuất với các bộ trưởng nước này để thảo luận cách ngăn chặn sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vừa phát hiện ở vùng England.

Theo báo trên, các biện pháp khẩn cấp siết chặt phòng dịch có thể sẽ được công bố sớm nhất trong ngày 19/12, trong đó có hạn chế đi lại giữa khu vực Đông Nam vùng England, bao gồm cả London, và các khu vực còn lại trên cả nước.

Trước đó, ngày 14/12, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, các nhà khoa học nước này phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là liên quan đến tốc độ lây nhiễm gia tăng nhanh tại khu vực Đông Nam vùng England.

Phân tích ban đầu cho thấy biến thể này phát triển nhanh hơn những biến thể trước đây.

Giới chức y tế đã phát hiện hơn 1.000 trường hợp nhiễm biến thể mới chủ yếu ở vùng phía Nam England.

Còn tại Nam Phi, một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng đã xuất hiện và được cho là liên quan đến làn sóng lây nhiễm thứ hai, chủ yếu tác động đến người trẻ tuổi ở nước này.

Bộ Y tế Nam Phi ngày 18/12 cho biết, thông tin chi tiết về biến thể mới đã được gửi tới Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các bác sĩ cho biết, độ tuổi của những người mắc COVID-19 ngày càng trẻ hóa, họ không có các bệnh lý nền có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nặng hơn.

Một diễn biến liên quan, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo ngày 17/12 đã xác nhận trường hợp động vật hoang dã đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 là một con chồn nâu.

Phát hiện này làm gia tăng quan ngại về sự bùng phát dịch COVID-19 ở loài chồn, trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đã khiến Mỹ phải tiêu hủy hơn 15.000 con chồn nuôi kể từ tháng 8 vừa qua. Trong một thông báo, USDA cho biết trường hợp chồn hoang nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận ở bang Utah trong khuôn khổ hoạt động giám sát động vật hoang dã xung quanh các trang trại phát hiện chồn nuôi nhiễm virus.

Ở Mỹ, dịch COVID-19 đã xuất hiện trên chồn được nuôi nhốt tại 16 trang trại ở Utah, Michigan và Wisconsin. Một số nước châu Âu cũng báo cáo các trường hợp lây nhiễm COVID-19 trên chồn nuôi nhốt trong các trang trại ở Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha...

Virus SARS-CoV-2 được cho là cũng xuất hiện trên một số loài động vật khác như hổ và sư tử trong các vườn thú ở Mỹ và một số thú cưng như chó, mèo...

Hiện giới chức y tế toàn cầu đang điều tra khả năng động vật truyền virus SARS-CoV-2 sang người, sau khi Đan Mạch triển khai kế hoạch tiêu hủy 17 triệu chồn nuôi tại các trang trại ở nước này tháng trước và cảnh báo một chủng virus SARS-CoV-2 biến thể có thể lây sang người.

Bình luận