Chờ...

Chuyên gia nhận định gì về tác động của cuộc chiến Israel - Hamas?

VOH - Ngày 7/10, lực lượng vũ trang Hamas đang kiểm soát dải Gaza bất ngờ tấn công vào lãnh thổ Israel, kích động 1 cuộc chiến mới tại khu vực đầy bất ổn này.

Cuộc tấn công của Hamas khiến nhà nước Do Thái không kịp trở tay. Hàng trăm công dân Israel đã thiệt mạng, hàng chục người khác bị bắt làm con tin.

Hamas giải thích, cuộc tấn công nhằm phá thế phong tỏa của Israel ở dải Gaza, cũng như phản đối hành động của Israel với người dân Palestine tại Bờ Tây, ví dụ đàn áp và xây dựng thêm khu định cư Do Thái.

Lực lượng vũ trang Israel đã tiến hành trả đũa mạnh mẽ, khi oanh kích hàng trăm mục tiêu của Hamas tại Gaza. Israel cũng huy động 300.000 quân dự bị, con số lớn chưa từng có.

Hamas khiến Israel bất ngờ với cuộc tấn công hôm 7/10 - Ảnh: PBS
Hamas khiến Israel bất ngờ với cuộc tấn công hôm 7/10 - Ảnh: PBS

Cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình thế giới, nhất là về kinh tế? VOH Online phỏng vấn Thạc sĩ Lưu Văn Vinh, chuyên gia về quan hệ quốc tế và an ninh tiền tệ.

*VOH: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi trò chuyện này. Ông có thể giải thích thêm, vì sao Hamas lại tổ chức 1 cuộc tấn công có thể nói là bất ngờ như vậy?

Thạc sĩ Lưu Văn Vinh: Có thể nói cuộc tấn công vào Israel của lực lương vũ trang Hamas sáng 7/10/2023, thực sự là bất ngờ và chấn động, không chỉ với Israel mà cả thế giới. Một đội quân ít về số lượng, yếu hơn về khí tài lại dám phát động tấn công vào đối thủ mạnh như Israel từ nhiều hướng, và gây thiệt hại lớn.

Đây là điều không thể hình dung trước cuộc chiến. Cuộc tấn công này gây rung chuyển toàn bộ Trung Đông, vốn không bình yên từ hàng trăm năm qua. Sức nóng của nó làm cho nhiều người liên tưởng về quá khứ, gọi đây là sự kiện “11/9” của Israel, hay cuộc chiến Yom Kippus “phiên bản 2023”.

Ở góc độ nghiên cứu và phân tích, tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân cốt lõi khác.

Thứ nhất, cuộc chiến giành đất đai, lãnh thổ, và việc thành lập nhà nước Palestine độc lập tại vùng đất được Liên Hợp Quốc công nhận suốt 75 năm qua, chưa có kết quả. Hai bên vẫn lao vào cuộc chiến dai dẳng, lúc nóng, lúc lạnh và chưa biết khi nào kết thúc. Khả năng cao 2 bên sẽ tiếp tục cuộc chiến “trăm năm” giành lãnh thổ.

Thứ 2, bàn cờ địa chính trị Trung Đông đang có nhiều dịch chuyển và diễn biến mau lẹ, trong đó nhiều thứ không mang lại lợi ích cho Palestine. Năm 2020, với sự trung gian của Mỹ, đã có 3 quốc gia Ả Rập công nhận Israel và thiết lập quan hệ ngoại giao. Đó là Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ma Rốc.

Đầu năm 2023, dưới sự trung gian của Trung Quốc, Iran và Ả Rập Xê Út đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiện nay với sự trung gian của Mỹ, Israel và Ả Rập Xê Út đang tiến tới bình thường hóa quan hệ. Ả Rập Xê Út là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong thế giới Ả Rập.

Thứ 3, sau hơn 10 năm, cuộc nội chiến ở Syria đang đi đến hồi kết, với sự tan rã của nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Các cường quốc đang giảm sự quan tâm tới Trung Đông.

Thứ 4, Mỹ và phương Tây đang bận tâm đến cuộc chiến ở Ukraine, không đặt nặng vấn đề sống còn của người Palestine, cũng như việc hình thành nhà nước Palestine độc lập. Điều này càng được thể hiện trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây, rằng “Trung Đông ngày nay bình yên hơn trước”.

*VOH: Nội các Israel đã thông qua quyết định hủy diệt Hamas. Theo ông, liệu quân đội Israel có tiến vào dải Gaza, lật đổ Hamas và thiết lập 1 chính quyền mới ở đây hay không?

Thạc sĩ Lưu Văn Vinh: Sau cuộc tấn công, ngay trong ngày 7/10, chính quyền Israel lập tức tuyên bố tình trạng chiến tranh và huy động 300.000 quân dự bị để đáp trả Hamas. Theo thông tin mới nhất, quân đội Israel đã chiếm lại tất cả khu định cư gần biên giới với dải Gaza, chiếm lại các cửa khẩu kết nối dải Gaza với Israel, cũng như với Ai Cập.

Quân đội Israel cũng bao vây chặt Gaza từ 4 hướng, và cả không phận. Hơn nữa, Israel cắt điện, nước, và ngăn mọi sự tiếp viện lương thực, thực phẩm cho người dân. Với lực lượng lớn đã huy động, khả năng rất cao quân đội Israel sẽ tràn vào dải Gaza để giải giáp, tiến tới xóa sổ phong trào Hamas.

300.000 lính Israel đang áp sát dải Gaza - Ảnh Sky News

300.000 lính Israel đang áp sát dải Gaza - Ảnh: Sky News

Tràn vào và xóa sổ Hamas là việc làm có thể với quân đội Israel, nhưng hậu quả để lại là vấn đề cần tính toán cho cả 2 phía. Với Israel, họ cần cân nhắc một số hậu quả sau:

Thứ nhất, đây là trận đánh có thể mang lại cho Israel rất nhiều tổn thất về người và vũ khí, khi Hamas chiến đấu tại Gaza trong trạng thái bị dồn đến chân tường.

Thứ hai, sự thiệt hại về dân thường sẽ vô cùng lớn, vì Gaza là dải đất hẹp (khoảng 450 km2 và mật độ dân số cao, khi có tới 2,3 triệu người sinh sống). Nếu điều này xảy ra, dư luận quốc tế sẽ lên án mạnh mẽ và Israel có thể chùn tay.

Thứ ba, thiệt hại về dân thường lớn tại Gaza nếu có, sẽ kích động tình cảm người Palestine tại khu bờ Tây, người Israel gốc Ả Rập, người Ả Rập tại các nước xung quanh Israel, và tại Trung Đông. Nếu tình huống này xảy ra, toàn bộ Trung Đông sẽ bắt đầu cuộc chiến mới, khó đoán định, khó kiểm soát.

Thứ tư, tràn vào Gaza và xóa sổ Hamas, sẽ ảnh hưởng đến các đối tác rất mạnh đang ủng hộ Hamas về vật chất, chính trị và ngoại giao, như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Iran. Không loại trừ các đối tác này sẽ có phản ứng mạnh, khó lường.

Thứ năm, Israel sẽ dựng lên đối tác chính trị nào để quản lý dải Gaza? Chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmuod Abbas hiện nay cũng không có nhiều ảnh hưởng tại đây. Hamas đã bám rễ rất sâu tại Gaza từ năm 2007.

Về phía Hamas, khi phát động tấn công vào Israel, họ đã tính đến mọi khả năng, mọi tình huống có thể xảy ra. Họ hiểu rằng, tấn công vào Israel là có thể, nhưng không thể chiếm giữ đất đai, và điều quan trọng là hiểu rõ Israel sẽ trả đũa như thế nào.

*VOH: Tình báo Israel được thế giới đánh giá là tinh nhuệ. Theo ông, vì sao họ lại không dự đoán được cuộc tấn công của Hamas?

Thạc sĩ Lưu Văn Vinh: Chúng ta sống trong thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, có những điều chúng ta dự báo được, và những điều không thể dự báo. Điều này hoàn toàn đúng trong cả tự nhiên lẫn xã hội.

Nước Nhật đã bị sốc khi Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên thử hạt nhân và bắn tên lửa qua không phận năm 1998; Cả thế giới bất ngờ khi Ân Độ và Pakistan thử hạt nhân; hay nước Mỹ trải nghiệm đau thương với sự kiện 11/9/2001.

Tuy nhiên, vụ tấn công vào Israel sáng 7/10 vừa qua của lực lượng vũ trang Hamas, có thể gọi là “bất ngờ của bất ngờ”. Những người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng không thể hình dung Hamas triển khai tấn công ngoạn mục như vậy.

Ai cũng hiểu, để làm được điều đó, Hamas phải có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, tỉ mỉ, chính xác, và tuyệt đối bí mật về lực lượng, vũ khí, địa điểm, hoặc thông tin liên lạc. Họ đã đạt được.

Ở phía đối diện, cơ quan tình báo nổi tiếng Mossad, cơ quan phản gián nội địa Shin Bet và cả tình báo quốc phòng của Israel đều không phát hiện được Hamas đã làm gì trước ngày 7/10.

Thất bại trên có thể không phải do các cơ quan đặc biệt Israel không có khả năng. Họ có mạng lưới điệp viên khắp Trung Đông, cũng như nhận được sự hợp tác của Mỹ và phương Tây. Vấn đề có thể là Hamas đã thực hiện công tác phản gián rất hoàn hảo. Họ đã che mắt được các cơ quan đặc biệt của Israel.

Dải Gaza là mảnh đất rất nhỏ, nằm giáp Israel, nên tình báo Israel chắc chắn phải hoạt động sôi nổi ở đây. Có thể lịch sử sẽ xếp công tác phản gián của Hamas vào loại kinh điển. Các giáo trình phản gián chắc sẽ không bỏ qua bài học này.

*VOH: Từ khi xung đột ở Trung Đông bùng phát, truyền thông thế giới giảm tập trung vào chiến tranh ở Ukraine. Theo ông, cuộc xung đột này có ảnh hưởng gì đến cuộc chiến ở Ukraine không?

Thạc sĩ Lưu Văn Vinh: Không thể phủ nhận, hiện nay thế giới đang chứng kiến 2 cuộc chiến, 1 tại Ukraine và 1 tại Gaza. Cả 2 đều mang lại đau thương, mất mát cho người dân. Tuy nhiên bối cảnh 2 cuộc chiến lại khác nhau. Xung đột tại Ukraine không bất ngờ đối với thế giới, nhưng bất ngờ về tổn thất con người, về cơ sở vật chất và thời gian kéo dài.

Cuộc chiến hiện nay tại dải Gaza là phần tiếp theo của cuộc chiến “trăm năm”, khi người Palestine muốn giành độc lập, giành quyền thành lập nhà nước riêng theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Truyền thông thế giới hiện nay tập trung vào Trung Đông, vì cuộc chiến diễn ra vô cùng bất ngờ, cuộc chiến của kẻ “yếu đánh mạnh, ít địch nhiều”.

Cuộc chiến diễn ra nhanh, và có thể cũng kết thúc nhanh như nhiều cuộc chiến tương tự trước đó. Chính vì vậy, cuộc chiến này đang hút giới truyền thông là điều dễ hiểu.

Cuộc chiến có thể làm Mỹ và phương Tây bận tâm. Mỹ đã đưa tàu sân bay Gerald R.Ford đến phía Đông Địa Trung Hải, vì Israel là đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ, có thể nói quan trọng hơn nhiều thành viên NATO. Sự hiện diện của tàu sân bay Gerald R.Ford đảm bảo Israel làm chủ không phận, kể cả vùng biển, nếu xuất hiện các động thái “bất ngờ” từ Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỹ hoặc Iran.

Điều này tạo thuận lợi cho Israel tự do ra tay với Hamas. Tuy nhiên với tiềm lực của Mỹ và phương Tây, sự giúp đỡ dành cho Israel vào thời điểm này, không ảnh hưởng đến sự giúp đỡ của Mỹ cho Ukraine.

*VOH: Từ khi cuộc xung đột nổ ra, giá dầu mỏ và vàng đã tăng mạnh trên toàn cầu. Đồng USD cũng tăng so với EURO. Niềm tin của nhiều nhà đầu tư suy giảm. Nói 1 cách tổng quát nhất, ông nghĩ cuộc xung đột này ảnh hưởng thế nào đến kinh tế thế giới trong thời điểm khó khăn hiện nay?

Thạc sĩ Lưu Văn Vinh: Từ khi cuộc chiến nổ ra, giá dầu và vàng tăng lên là điều dễ hiểu, vì Trung Đông là “kho dầu” của thế giới, rất dễ bị gián đoạn nguồn cung. Nếu cuộc chiến chỉ trong phạm vi Palestine – Israel, thì tác động đến giá dầu và giá vàng không lớn và không kéo dài.

Nếu cuộc chiến vượt tầm kiểm soát, lôi cuốn nhiều quốc gia Trung Đông tham dự, thì tác động đến thế giới và kinh tế thế giới rất lớn. Kinh tế thế giới lại thêm một nguyên nhân nữa giảm đà tăng trưởng, và giảm đà phục hồi. Tuy nhiên, lịch sử xác nhận các cuộc chiến tại Trung Đông thường không kéo dài.

*VOH: Kinh tế Việt Nam có bị ảnh hưởng gì không thưa ông?

Thạc sĩ Lưu Văn Vinh: Trước mắt thì chưa có ảnh hưởng gì. Tùy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh với thế giới, mọi vấn đề phức tạp xảy ra trên toàn cầu, đều tác động đến kinh tế nước ta. Trung Đông là thị trường quan trọng của nông sản Việt Nam. Trung Đông cũng là nguồn cung dầu thô lớn cho Việt Nam.

Năm 2023, Việt Nam ký Hiệp định thương mại (FTA) với Israel. Đây là FTA thứ 17 của Việt Nam. Nếu cuộc chiến kéo dài, kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng theo cách này hoặc cách khác. Hy vọng cuộc chiến sớm kết thúc trong thời gian ngắn nhất có thể.

*VOH: Câu hỏi cuối cùng, ông nhìn nhận cuộc chiến này sẽ diễn biến theo chiều hướng nào những ngày sắp tới?

Thạc sĩ Lưu Văn Vinh: Rất nhiều chuyên gia, nhà phân tích đã dự báo quân đội Israel sẽ tiến vào Gaza, để loại trừ Hamas theo phong cách “hủy diệt” như lời Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố. Tôi cho rằng, Israel tiến vào và tàn phá Gaza là khả năng rất cao, nhưng “hủy diệt” Hamas không hề dễ dàng như đã phân tích ở trên.

Lịch sử chiến tranh ở Trung Đông đã ghi nhận, là không thể loại bỏ tổ chức giải phóng Palestine (PLO) của cố chủ tịch Y.Arafat, khi PLO bị vây hãm tại Li-băng, sau đó được di tản sang Tuy-ni-di năm 1982.

Tuy nhiên, thời điểm đó PLO được quốc tế công nhận, hiện nay Hamas không có vị thế như vậy. Chỉ vài quốc gia công nhận Hamas như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập hay Iran. Nhiều quốc gia không nhìn nhận Hamas trong đó có Mỹ và phần lớn phương Tây.

*VOH: Xin cảm ơn ông.

Bình luận