Quan hệ với Trung Quốc sẽ phức tạp hơn khi Anh gia nhập CPTPP?

VOH – Tháng 8/2023 vừa qua, Anh chính thức gia nhập CPTPP. Hiện Trung Quốc cũng mong muốn tương tự. Điều này sẽ tác động thế nào tới quan hệ 2 nước?

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã lần đầu kết nạp 1 quốc gia không giáp Thái Bình Dương, và ở tận châu Âu, đó là vương quốc Anh.

Đây được xem là thành công lớn của London, vì từ khi rời EU năm 2020, xứ sở sương mù luôn hướng tới châu Á, nhất là về kinh tế và thương mại.

Vài tuần sau khi gia nhập, Bộ trưởng Thương mại quốc tế của Anh đã có những nhận định về cơ hội, tiềm năng, cũng như viễn cảnh Trung Quốc gia nhập tổ chức này.

Đại diện vương quốc Anh (thứ 2 từ phải qua) tại cuộc họp của CPTPP - Ảnh: Le Monde
Đại diện vương quốc Anh (thứ 2 từ phải qua) tại cuộc họp của CPTPP - Ảnh: Le Monde

1. Quan điểm của Anh về CPTPP và viễn cảnh đàm phán với Trung Quốc

Theo Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Nigel Huddleston, với tư cách thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), London có thể giúp định hình các quy tắc thương mại trong tương lai, đặc biệt là lĩnh vực kỹ thuật số. Ông khẳng định như vậy trong 1 cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia vào cuối tháng 8/2023.

CPTPP gồm 12 thành viên, là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, vương quốc Anh và Việt Nam.

Ông Nigel Huddleston không đồng ý với quan điểm cho rằng, vương quốc Anh có rất ít lợi ích khi gia nhập CPTPP. Nếu không có lợi ích, vương quốc Anh sẽ không gia nhập, và rời khỏi bất cứ lúc nào.

Ông nói tiếp: “Khi chúng tôi thấy ai đó không chơi theo luật, chúng tôi sẽ lên tiếng phản đối, thông qua trao đổi trực tiếp, các diễn đàn đa phương hoặc bằng biện pháp trừng phạt.”

Theo Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Nigel Huddleston - Ảnh: Mid Worces
Theo Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Nigel Huddleston - Ảnh: Mid Worces

Một số ý kiến cho rằng, gia nhập CPTPP là thành công nhất định trong thời kỳ cầm quyền của đảng Bảo Thủ. Theo cuộc thăm dò mới nhất, đảng Bảo Thủ sẽ thua đậm đảng Lao Động, nếu cuộc bầu cử diễn ra vào lúc này.

Khi được hỏi tại sao sau khi rời EU, Anh lại muốn tham gia CPTPP mạnh mẽ như vậy? Ông Huddleston nói rằng, so sánh như vậy là khập khiễng. EU ngày càng trở thành 1 liên minh chính trị, trong khi Anh muốn tìm kiếm nhiều hơn đối tác về kinh tế. Trước khi cuộc bỏ phiếu rời EU tổ chức vào năm 2016, liên minh châu Âu vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Anh. Tuy nhiên, buôn bán với EU khiến Anh cảm thấy ngột ngạt, tăng nhiều loại chi phí và nền kinh tế ngày càng nhỏ đi.

Ông Huddleston nói tiếp: “Ngược lại, tham gia CPTPP dự kiến sẽ mang lại cho nền kinh tế Anh khoảng 1,8 tỷ bảng, tương đương 2,29 tỷ USD mỗi năm trong 15 năm tới. Nghĩa là ngang với 0,08% GDP. Điều này dựa trên đánh giá vào tháng 4/2021. Khi nền kinh tế Anh vượt qua 2.000 tỷ bảng vào năm 2022, con số này có thể tăng và tạo ra thêm hàng chục ngàn việc làm.”

Ông Huddleston bày tỏ khó chịu khi nhiều người coi thường con số đó. Chính phủ Anh đang hy vọng các sản phẩm như ô tô, rượu vang, dịch vụ ngân hàng và truyền thông, sẽ được xuất khẩu mạnh hơn sang châu Á. Ngược lại, nhập khẩu dầu cọ từ Malaysia và nước ép trái cây từ Chile, sẽ rẻ hơn nếu là thành viên CPTPP.

Về tranh luận gần đây liên quan tới dầu cọ từ Malaysia và Indonesia, ông Huddleston nói rằng, mọi cơ chế đều có chức năng giữ cho đối tác làm đúng những gì họ cam kết, ở đây là cam kết về khí hậu, theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Do đó, châu Âu có thể ngưng nhập khẩu, hoặc trừng phạt mặt hàng nào đó, nếu chúng liên quan đến nạn phá rừng.

Ông Huddleston nói tiếp: “Các thỏa thuận thương mại không phải lúc nào cũng cố gắng giải quyết mọi vấn đề. Nhưng chúng là diễn đàn phù hợp để nêu ra vấn đề, và cùng nhau tiến tới 1 giải pháp dựa trên sự đồng thuận.”

Về việc Anh và Trung Quốc mâu thuẫn thương mại, thậm chí trừng phạt qua lại liên quan đến tình hình Tân Cương, trong lúc kim ngạch buôn bán 2 chiều rất lớn, khoảng 137 tỷ USD mỗi năm, ông Huddleston nói: “Điều đó không có nghĩa là chúng tôi bỏ qua 1 số lo ngại, như an ninh kinh tế hay sở hữu trí tuệ. Mọi người đều phải tuân theo luật. Những cuộc đàm phán giữa chúng tôi và họ, về việc Trung Quốc gia nhập CPTPP, có thể sẽ rất khó khăn.”

2. Quan hệ Anh – Trung qua chuyến thăm của ngoại trưởng Cleverly

Ngày 30/8, Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính, và Ngoại trưởng Vương Nghị tại thủ đô Bắc Kinh. Đây là động thái được coi là tái kết nối, trong bối cảnh bất đồng và đối đầu giữa 2 nước ngày càng nhiều.

Ông Cleverly gợi ý, 2 nước nên gặp mặt trực tiếp thường xuyên hơn, để tránh hiểu lầm và giải quyết khác biệt. Ông hy vọng, quan hệ song phương sẽ được cải thiện, thông qua sự tôn trọng và hợp tác, nhất là lĩnh vực đầu tư, thương mại và cùng cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng James Cleverly và người đồng cấp Vương Nghị - Ảnh: CGTN
Ngoại trưởng Anh James Cleverly (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: CGTN

Trong 1 diễn biến thể hiện sự bất đồng liên quan đến Trung Quốc, 1 ngày trước chuyến đi của Ngoại trưởng Cleverly, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh đã công bố 1 báo cáo, chỉ trích Chính phủ có cách tiếp cận không mạch lạc, và không rõ ràng với đất nước tỷ dân. Ủy ban kêu gọi Chính phủ có cách tiếp cận cứng rắn hơn, răn đe hơn và mạnh mẽ hơn. Ủy ban hối thúc vương quốc Anh nên tham gia bộ tứ Kim Cương, cùng với Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Ủy ban cũng kêu gọi Chính phủ noi theo nước Đức, là minh bạch trong chiến lược với Trung Quốc.

Chính phủ Anh thời gian gần đây muốn xây dựng lại mối quan hệ với Trung Quốc, nhất là về kinh tế. Chính phủ thừa nhận, kinh tế Anh đi xuống từ khi rời khỏi EU năm 2020. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4, và đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Nhiệm vụ của Ngoại trưởng Cleverly ở Trung Quốc, là hướng tới ổn định mối quan hệ. Tuy nhiên, ông vẫn nêu lo ngại về an ninh quốc gia xung quanh các vấn đề công nghệ. Đây là nhân tố quan trọng mà nước Anh luôn lưu tâm. Ngoài ra, ông cũng đề cập thẳng thắn các vấn đề khác 2 bên còn bất đồng, ví dụ hàng rào mậu dịch, quyền sở hữu trí tuệ, vai trò quá lớn của các công ty nhà nước Trung Quốc, và nhiều loại thuế quan chưa hợp lý.

Khi chuyến thăm đang diễn ra, ở quê nhà nhiều tiếng nói kêu gọi chính phủ Anh phải bảo vệ hơn nữa an ninh quốc gia, ví dụ cấm hãng camera giám sát Hikvision của Trung Quốc. Lý do, đây có thể là các thiết bị thu thập dữ liệu từ xa.

Theo 1 số chuyên gia, chuyến thăm của Ngoại trưởng Cleverly có tạo ra sự khác biệt trong quan hệ song phương hay không, vẫn còn phải xem xét trong 1 thời gian dài, vì nó có nhiều chủ đề phức tạp, không chỉ liên quan đến kinh tế, mà cả Hồng Kong và Đài Loan. Anh Quốc chưa bao giờ hài lòng, về những gì diễn ra tại Hồng Kong – vốn là 1 thuộc địa cũ.

Ông Alessio Patalano, giáo sư tại trường King’s College London nói với Nikkei Asia: “Báo cáo của Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội Anh, thể hiện sức mạnh của những nền dân chủ nghị viện. Điều này sẽ thúc đẩy 2 nước phục hồi các liên hệ về ngoại giao, chiến lược và kinh tế.”

Cũng theo giáo sư Patalano, chính phủ Anh nên giúp đỡ vùng lãnh thổ Đài Loan – 1 thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Diễn đàn kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) – tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tuy nhiên 1 số ý kiến cho rằng, điều này rất khó thành hiện thực. Nhiều quốc gia ở châu Á sẽ phản đối quần đảo Đài Loan tham gia CPTPP, vì có thể ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc. Trong trường hợp vùng lãnh thổ Đài Loan tham gia CPTPP trước, khả năng vào sau của Trung Quốc sẽ khó khăn hơn. Do đó, đất nước tỷ dân có thể tác động lên thành viên của khối, để viễn cảnh trên không xảy ra.

Ông Tim Loughton, một nghị sỹ đảng Bảo Thủ, tỏ ra nghi ngờ về chuyến đi của Ngoại trưởng Cleverly, vì thời gian gần đây các quan chức cấp cao từ Đức và Mỹ đến Trung Quốc, đều trở về tay trắng.

Nghị sỹ Tim Loughton nói tiếp: “Tôi không hiểu tại sao Ngoại trưởng Cleverly lại cho rằng, vương quốc Anh sẽ khác Đức và Mỹ? Trung Quốc sẽ bác bỏ các yêu cầu của Anh. Những lệnh trừng phạt kinh tế của Trung Quốc sẽ giữ nguyên. Không cẩn thận chúng ta sẽ rơi vào tình huống như người mộng du. Khi sự phụ thuộc về kinh tế ngày càng lớn, thì điều đó rất tai hại.”

3. Kết luận

Vương quốc Anh gia nhập CPTPP được coi là 1 thành tựu trong chiến lược hướng về châu Á của London. Tuy nhiên, nó cũng làm tăng sự phức tạp trong quan hệ giữa nước này với Trung Quốc. Cả siêu cường châu Á lẫn vùng lãnh thổ Đài Loan, đều đang muốn tham gia tổ chức thương mại đa phương trên.

CPTPP có cơ chế, là các nước muốn gia nhập, cần sự chấp thuận của tất cả thành viên cũ. Do vậy, khi vương quốc Anh tham gia, những cuộc đàm phán về kinh tế và thương mại giữa London với Bắc Kinh sẽ càng thêm chồng chéo, đan sen nhiều yếu tố như lợi ích quốc gia, an ninh và địa chính trị.

Hai nước sẽ điều hòa mối quan hệ như thế nào? Ngoại trưởng James Cleverly muốn tăng cường hợp tác kinh tế một cách ổn định, công bằng và tôn trọng, như yếu tố chủ chốt trong quan hệ 2 nước, liệu có thành hiện thực? Theo 1 số chuyên gia, đây là câu hỏi không dễ để trả lời trong 1 sớm 1 chiều.

Bình luận