Chờ...

Siberia ngột ngạt trong đợt nắng nóng tồi tệ nhất lịch sử

VOH - Hàng chục kỷ lục về nhiệt độ được ghi nhận, Siberia đang chìm trong trong đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong lịch sử.

Thứ bảy tuần trước, nhiệt độ Siberia đạt 37,9 độ C ở Jalturovosk, ngày nóng nhất trong lịch sử, theo nhà khí hậu học Maximiliano Herrera, người theo dõi nhiệt độ khắc nghiệt trên toàn cầu.

Một số kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại đã bị phá vỡ vào ngày 7/6, bao gồm ở Baevo, đạt 39,6 độ C và Barnaul, đạt 38,5 độ C.

Herrera nói với CNN, một số trạm khí tượng có bản ghi nhiệt độ từ 5 đến 7 thập kỷ và đây là “đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong lịch sử” của khu vực.

nhiệt độ
Bản đồ dị thường nhiệt độ cho thấy nhiệt độ ấm hơn bình thường trên các vùng của Châu Á.

Ngày 8/6, Herrera cho biết, các kỷ lục tiếp tục xuất hiện với nhiệt độ một lần nữa vào khoảng 40 độ C.

Một phân tích khoa học có thể được thực hiện để đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sự kiện này, nhưng chúng ta biết rằng sự nóng lên toàn cầu đang gây ra nhiệt độ khắc nghiệt hơn, đặc biệt là ở các vĩ độ cao hơn.

“Siberia là một trong những khu vực nóng lên nhanh nhất trên hành tinh với cường độ cực nóng ngày càng tăng” - Omar Baddour, Giám đốc dịch vụ chính sách và giám sát khí hậu tại Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết.

Khi mùa cháy rừng diễn ra ở Bắc bán cầu, Siberia - cùng với Canada - cũng đang phải vật lộn với những trận cháy rừng dữ dội và nghiêm trọng. Hỏa hoạn hoành hành khắp dãy núi Ural của Nga vào tháng 5, giết chết ít nhất 21 người.

Nhiệt độ cực cao có khả năng làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng.

Siberia
Siberia chiếm 57% diện tích nước Nga

Siberia chiếm 57% diện tích nước Nga và xấp xỉ Canada – nước lớn thứ hai thế giới. Siberia sáp nhập vào Nga từ thế kỷ XVII và là nơi sinh sống của nhiều dân tộc với các nền văn hóa khác nhau.

Siberia được xem là địa điểm có nhiệt độ thấp thứ nhì thế giới, chỉ kém châu Nam Cực. Khí hậu Siberia khác biệt rất lớn vào các thời điểm trong năm. Nhiệt độ kỷ lục vào mùa đông tại đây từng được ghi được là -71 độ C. Tuy vậy, nhiệt độ mùa hè một số nơi ở Siberia rất nóng, lên đến 36 - 38 độ C.

Nhìn chung, các địa điểm ở Siberia đều có khí hậu thất thường, có lúc rất nóng và có lúc rất lạnh do nằm sâu trong nội địa hay trên cao nguyên. Có thời điểm nhiệt độ mùa hè và mùa đông tại Siberia chênh lệch tới hơn 100 độ C.

Không chỉ Siberia có nhiệt độ kỷ lục trong tuần này. Nhiệt độ cao đã lan rộng khắp Trung Á. Vào đầu tháng 4, Turkmenistan có nhiệt độ lên tới 42 độ C, đây là “kỷ lục thế giới ở vĩ độ đó” - Herrera nói.

Vào ngày 7/6, nhiệt độ hơn 45 độ C đã được ghi nhận ở Trung Quốc, 43 độ C ở Uzbekistan và 41 độ C ở Kazakhstan.

Đó là “một đợt nắng nóng lịch sử đang viết lại lịch sử khí hậu thế giới” - Herrera viết trên Twitter.

Bình luận