Chờ...

Sierra Leone: Loạt địa điểm bị tấn công, gần 2.000 tù nhân trốn thoát

VOH - Đã có 20 người thiệt mạng và gần 2.000 tù nhân trốn thoát trong vụ tấn công vào hàng loạt địa điểm ở thủ đô Freetown của Sierra Leone vào cuối tuần qua.

Sierra Leone đã rơi vào tình trạng hoảng loạn trong vài giờ và ban hành lệnh giới nghiêm, khi những kẻ tấn công, được cho là những "binh sĩ nổi loạn", nã súng tại hàng loạt địa điểm ở thủ đô Freetown vào hôm Chủ nhật 26/11, trong đó có cả doanh trại quân đội và một nhà giam.

Sang ngày 27/11, chính quyền Sierra Leone cho biết các vụ tấn công đã bị đẩy lùi và chính phủ cũng giảm lệnh giới nghiêm từ cả ngày xuống khung giờ từ 21h đến 6h sáng hôm sau.

Tổng thống Sierra Leone, ông Julius Maada Bio, thông báo lực lượng chức năng đã bắt giữ 3 kẻ cầm đầu vụ tấn công và đang tiếp tục truy lùng các đối tượng khác có liên quan. Một cuộc điều tra cũng đã được tiến hành. 

Sierra Leone: Loạt địa điểm bị tấn công, gần 2.000 tù nhân trốn thoát
Phó Tổng thống Sierra Leone, ông Mohamed Juldeh Jalloh (áo xanh ở giữa), trong chuyến làm việc tại nhà tù trung tâm Pademba sau khi cơ sở này bị tấn công, ngày 27/11/2023 - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn lời Issa Bangura, người phát ngôn quân đội Sierra Leone cho biết trong số 20 người thiệt mạng có 3 kẻ tấn công; còn lại là binh sĩ, cảnh sát và có cả dân thường. Ngoài ra còn có 8 người khác bị thương. 

Đáng chú ý, đã có khoảng 1.890 tù nhân bị giam tại nhà tù trung tâm Pademba trốn thoát khi nhà tù bị đột kích. Hiện chỉ mới có 23 đối tượng trong số này bị bắt trở lại. 

Đại tá Shek Sulaiman Massaquoi, quyền giám đốc Cơ quan Cải huấn Sierra Leone, cho biết sau khi nã súng và không kích nhà tù bất thành, những kẻ tấn công đã lao xe vào cổng chính nhà tù và phá cửa các phòng giam. Toàn bộ vụ tấn công kéo dài khoảng 2 giờ. 

Cảnh sát đã ra thông cáo kêu gọi các tù nhân tình nguyện quay trở lại nhà tù, đồng thời treo thưởng cho dân chúng nếu cung cấp thông tin về những tù nhân trốn thoát hoặc những kẻ tấn công. 

Tình hình an ninh tại Sierra Leone, quốc gia Tây Phi vẫn đang trong quá trình hồi phục sau cuộc nội chiến những năm 1991-2002, gần đây trở nên bất ổn trở lại kể từ khi ông Julius Maada Bio tái đắc cử Tổng thống vào tháng 6 vừa qua. Kết quả này vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ trong và ngoài nước, kể cả Mỹ, Liên minh châu Âu và một số quốc gia đối tác khác.

Bình luận