Chờ...

Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu vượt mốc kỷ lục 40 triệu ca

(VOH) - Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu ngày 19/10 đã vượt mốc 40 triệu ca, khi số người nhiễm ở các nước ở Bắc bán cầu đang tăng mạnh vì chuẩn bị vào mùa đông - điều kiện thuận lợi của virus.

Thống kê trên do hãng tin hàng đầu Reuters thực hiện, dựa vào các số liệu chính thức do các nước công bố. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng số ca nhiễm và tử vong thực sự còn cao hơn nhiều lần, vì những hạn chế và chênh lệch trong khâu xét nghiệm cũng như báo cáo số liệu của một số quốc gia.

Dữ liệu do Reuters đưa ra cho thấy tốc độ gia tăng trở lại của dịch bệnh hiện đang ở mức cao. Cụ thể, đại dịch chỉ mất 32 ngày để nâng số ca nhiễm từ 30 triệu người trên toàn cầu lên 40 triệu người. Điều này thể hiện rõ trong việc so sánh với các tốc độ tăng trước đó, khi từ 20 triệu người lên 30 triệu người nhiễm phải mất 38 ngày, từ 10 triệu lên 20 triệu người nhiễm mất 44 ngày và cần đến 3 tháng để số ca nhiễm vượt 10 triệu người kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào đầu tháng 1 năm nay.

Bên cạnh đó, kỷ lục về số người nhiễm mới trong một ngày cũng liên tục thay đổi, và thống kê mới nhất về số liệu này là vào cuối tuần trước, khi lần đầu tiên có đến hơn 400.000 người nhiễm bệnh trong một ngày. Ngoài ra, số ca nhiễm Covid-19 trung bình cũng tăng từ 292.000 ca/ngày lên 347.000 ca/ngày.

Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu vượt mốc kỷ lục 40 triệu ca
Các nước ở Bắc bán cầu đang có sự gia tăng mạnh số ca nhiễm mới vì khu vực này đang dần vào mùa đông, có điều kiện thuận lợi cho virus sinh sôi và phát triển. Ảnh: Reuters

Các nước Mỹ, Ấn Độ và Brazil tiếp tục là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Số ca nhiễm Covid-19 ở châu Mỹ chiếm 47,27% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu. Hiện cứ 10.000 người Mỹ thì có 247 người bị nhiễm Covid-19. Con số này ở Ấn Độ và Brazil lần lượt là 55 người và 248 người.

Tại châu Âu, số ca nhiễm mới đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, đặc biệt ở những nước Italy, Hà Lan, Đức, Áo, Ba Lan, Ukraine, Síp và Cộng hòa Séc. Châu Âu hiện chiếm hơn 17% số ca nhiễm Covid-19 và gần 22% số ca tử vong trên toàn cầu.

Trước tình hình này, một số quốc gia đã có động thái nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Tại Anh, nhiều khu vực đã trở về trạng thái phong tỏa khi Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố quyết ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai xảy ra.

Nước Pháp cũng đã ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, trong khi một số nước châu Âu khác thì thực hiện đóng cửa biên giới, tạm hoãn các cuộc phẫu thuật không cấp bách và tuyển dụng thêm nhiều sinh viên y khoa vào đội ngũ y tế của từng địa phương.

Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu vượt mốc kỷ lục 40 triệu ca

Anh ban hành nhiều biện pháp nhằm đối phó với sự lây lan dịch bệnh đang có chiều hướng tăng cao. Ảnh: TRT World

Ở Mỹ - quốc gia hiện có số người nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi ban hành gói kích thích kinh tế khổng lồ, trong bối cảnh các cuộc đình công với số lượng kỷ lục diễn ra ở nhiều bang phản đối các chính sách đóng cửa kinh tế. Nước Mỹ hiện đang ngổn ngang và cũng chỉ còn 2 tuần nữa là đến kỳ bỏ phiếu chính thức bầu chọn vị Tổng thống thứ 46 trong lịch sử.

Trong khi đó ở Ấn Độ, số ca nhiễm Covid-19 cho đến nay đã lên đến hơn 7,43 triệu người, và số ca hiện tại vẫn đang điều trị lần đầu tiên xuống dưới mốc 800.000 người sau gần 2 tháng qua.

Ở khu vực Trung Đông, Iran là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch. Nước này đã kéo dài các lệnh phong tỏa và đóng cửa ở thủ đô Tehran đến tuần thứ ba, khi số người tử vong vì dịch bệnh lên hơn 30.000 người.

Kể từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay, đã có hơn 1,1 triệu người trên thế giới tử vong, tỷ lệ trung bình toàn cầu khoảng 2,8%. Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong vì Covid-19 có thể sẽ tăng lên 2 triệu người trước khi một loại vắc-xin được điều chế và chính thức đi vào sử dụng rộng rãi. Vị này cũng nhận định con số này có thể tiếp tục tăng cao hơn nữa nếu các quốc gia chậm trễ ứng phó và không có hành động phối hợp để kiềm chế đại dịch.

Bình luận