Chờ...

"Thập kỷ mất mát" đe dọa kinh tế toàn cầu

(VOH) - Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt giảm xuống còn 2,2%/ năm từ đây đến năm 2030, mở ra "thập kỷ mất mát" cho kinh tế thế giới.

Trong báo cáo mới nhất, WB dự báo tốc độ tăng trưởng tiềm năng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại rất nhiều quốc gia sẽ bị chậm lại, và nếu không thể cải thiện tốc độ này thì khả năng ứng phó của thế giới trước các tác động do nghèo đói và biến đổi khí hậu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. 

"Thập kỷ mất mát"

Ông Indermit Gill, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của WB cho biết "thập kỷ mất mát" đối với kinh tế thế giới đang dần hình thành. Theo đó, tiềm năng tăng trưởng trung bình toàn cầu sắp giảm xuống mức còn 2,2%/năm, kéo dài từ 2023 - 2030. Đây là mức giảm thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Trong khi thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, mức độ tăng trưởng toàn cầu đạt 3,5%/năm.

Theo WB, hậu quả từ đại dịch Covid-19, xung đột kéo dài ở Ukraine cùng những rủi ro đang diễn ra đối với ngành kinh tế tài chính ở Mỹ và EU là những nguyên nhân gây ra tình trạng trên. 

Tuy nhiên báo cáo của WB cho rằng, nếu các quốc gia phối hợp với nhau để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực bền vững, cắt giảm chi phí thương mại, thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và mở rộng lực lượng lao động, tăng trưởng GDP tiềm năng có thể tăng thêm 0,7% - tức lên được 2,9%. 

Nếu không hành động quyết liệt, kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào 'thập kỷ mất mát'
Theo WB, "thập kỷ mất mát" là sự suy giảm liên tục trong tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng. Ảnh: Fortune India

WB cũng đang theo dõi các diễn biến trong lĩnh vực ngân hàng. Quá trình tăng lãi suất và thắt chặt điều kiện tài chính khiến chi phí đi vay của các nước đang phát triển tăng theo.

Ông Ayhan Kose – Giám đốc Bộ phận dự báo của WB - cho biết: "Sự giảm tốc mà chúng tôi đề cập có thể nghiêm trọng hơn nếu một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, đặc biệt nếu cuộc khủng hoảng đó dẫn tới suy thoái toàn cầu." 

Năng suất lao động có thể đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2000. WB lo ngại năng suất chậm lại sẽ kéo tụt tăng trưởng thu nhập.

Các quan chức tại Ngân hàng Thế giới nhận định, “kỷ nguyên vàng” của tăng trưởng dường như sắp kết thúc.

Nếu không hành động quyết liệt, kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào 'thập kỷ mất mát'
Bên trong một nhà máy sản xuất thảm ở Mông Cổ. Ảnh: UN News

Cần những chính sách táo bạo

Theo WB các nhà hoạch định chính sách cần sáng tạo và táo bạo hơn trong nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu.

Để thay đổi quỹ đạo này, các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo sự ổn định của ngành tài chính và giảm nợ, đồng thời thúc đẩy các khoản đầu tư thân thiện với khí hậu. Những nỗ lực này có thể giúp tăng trưởng kinh tế tiềm năng hàng năm tăng thêm 0,3%.

Ngoài ra, giảm chi phí liên quan đến vận chuyển, logistics… có thể thúc đẩy thương mại. Đồng thời, mở rộng xuất khẩu các dịch vụ kỹ thuật số có thể mang đến tăng năng suất lớn, tăng tỷ lệ tham gia của phụ nữ và nhiều nhóm đối tượng khác vào lực lượng lao động có thể nâng tốc độ tăng trưởng tiềm năng toàn cầu lên thêm 0,2% vào năm 2030.

Bình luận