Chờ...

Hơn 124 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu

(VOH) - Theo Worldometers.info, tính đến 10 giờ ngày 23/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 124,20 triệu ca nhiễm Covid-19.

Trong đó có hơn 100,26 triệu ca đã hồi phục và 2,7 triệu ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận hơn 380 ngàn ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong ở mức hơn 6.700 ca.

Theo quốc gia, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu về số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới với hơn 30,7 triệu ca nhiễm. Brazil và Ấn Độ đứng thứ 2 và 3 với số ca nhiễm lần lượt là hơn 12,05 triệu ca nhiễm và hơn 11,68 triệu ca nhiễm. Đứng thứ 4 và 5 về số ca mắc Covid-19 là Nga và Vương quốc Anh với số ca nhiễm ghi nhận lần lượt ở mức hơn 4,46 triệu ca nhiễm và hơn 4,30 triệu ca nhiễm.

Tổng thống Nga Putin quyết định tiêm vaccine COVID-19

Tờ Guardian (Anh) đưa tin rằng nhà lãnh đạo Nga không nêu rõ chi tiết loại vaccine COVID-19 ông tiêm. Động thái này diễn ra ở thời điểm chính phủ Nga khuyến khích công dân tiêm vaccine phòng COVID-19.

Hiện nay, vaccine phòng COVID-19 phổ biến nhất tại Nga là Sputnik V. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/8/2020 tuyên bố nước này phê chuẩn vaccine phòng COVID-19 Sputnik V sau gần 2 tháng thử nghiệm trên cơ thể người. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Putin khẳng định vaccine Sputnik V do Viện Gamaleya sản xuất là an toàn.

Bên cạnh đó, đến nay Moskva cũng thông qua việc sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine COVID-19 khác được điều chế và sản xuất trong nước mang tên EpiVacCorona và CoviVac.

Hơn 124 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu 1
Hơn 124 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu. Ảnh minh họa. 

Bằng chứng cho thấy Covid-19 có thể gây ra bệnh tiểu đường type II

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học King's College London, Anh và Đại học Monash, Australia đã tạo ra một cơ sở dữ liệu thông tin cung cấp bằng chứng cho thấy Covid-19 liên quan đến bệnh tiểu đường type II.

Nhóm đã tạo ra cơ sở dữ liệu vì hai lý do. Thứ nhất là nghiên cứu cho đến nay đã cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường type II có nhiều khả năng bị các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh Covid-19 và tử vong vì nó hơn so với dân số nói chung. Thứ hai là do có nhiều bằng chứng cho thấy Covid-19 thực sự có thể khiến bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.

Cơ sở dữ liệu mới được gọi là sổ đăng ký COVIDIAB và thiết kế đặc biệt để giúp các nhà nghiên cứu y tế hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa Covid-19 và bệnh tiểu đường. Dữ liệu được thu thập từ các bệnh nhân về hoàn cảnh của họ, bao gồm cả việc họ có phải là người mới khởi phát tiểu đường hay không.

Vắc xin của AstraZeneca: Hiệu lực 79% ngăn ngừa bệnh COVID-19 có triệu chứng

Bộ Y tế thông tin cho biết, AstraZeneca vừa công bố kết quả tổng quan trên cơ sở phân tích sơ bộ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của vắc xin AZD1222 do AstraZeneca thực hiện tại Hoa Kỳ.

Dữ liệu cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc xin đã được chứng minh có ý nghĩa thống kê là 79% trong việc phòng ngừa COVID-19 có triệu chứng và 100% trong việc phòng ngừa bệnh nặng và nhập viện do COVID-19. Đặc biệt:

Thử nghiệm giai đoạn III này được AstraZeneca tiến hành tại Hoa Kỳ với chế độ hai liều vắc xin tiêm cách nhau 4 tuần.

Hiệu quả bảo vệ của vắc xin là nhất quán giữa các nhóm chủng tộc và các nhóm tuổi khác nhau. Đáng chú ý, hiệu quả bảo vệ của vắc xin là 80% ở những đối tượng tham gia từ 65 tuổi trở lên, chiếm khoảng 20% tổng số đối tượng tham gia thử nghiệm.

Bình luận