Chờ...

Thế giới hơn 231 triệu người nhiễm nCoV, Mỹ khuyến nghị các đối tượng tiêm vắc xin mũi 3

(VOH) - Đến sáng nay 25/9, thế giới đã ghi nhận 231.815.044 ca nhiễm Covid-19, 4.749.819 ca tử vong, và 208.405.331 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận tổng cộng 43.631.033 ca nhiễm và 704.831 trường hợp tử vong vì Covid-19.

Quốc gia này khuyến nghị tiêm mũi vắc xin tăng cường của Pfizer cho ba nhóm, gồm những người từ 65 tuổi trở lên, có bệnh nền trong độ tuổi 18-64 và dễ tiếp xúc với vi rút do đặc điểm công việc hoặc nơi sinh sống.

Theo AP, có khoảng 26 triệu người Mỹ đã tiêm liều Pfizer/BioNTech thứ hai ít nhất 6 tháng trước, trong đó có phân nửa là người từ 65 tuổi trở lên. Hiện không rõ có bao nhiêu người trong số này đủ điều kiện được tiêm tăng cường.

Thế giới có hơn 231 triệu người nhiễm Covid-19, Mỹ khuyến nghị một số đối tượng tiêm vắc xin mũi 3 1
Tại Mỹ, những người từ 65 tuổi trở lên được khuyến nghị tiêm tăng cường mũi vắc xin Covid-19 thứ ba (Ảnh: Reuters)

Giới chuyên gia Mỹ vẫn đang theo dõi chặt chẽ biến chủng R1, được phát hiện lần đầu ở Nhật Bản vào năm 2020. Theo CDC, biến chủng này mang "một số đột biến quan trọng", cho thấy "bằng chứng về việc virus tăng khả năng lây truyền, đồng thời có khả năng làm giảm hiệu quả kháng thể trung hòa có được sau khi mắc bệnh hoặc tiêm vắc xin".

Tại Nauy, Chính phủ tuyên bố tái mở cửa xã hội từ ngày 25/9, chấm dứt những biện pháp phòng dịch làm hạn chế tương tác xã hội và khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Cùng với Đan Mạch và Anh, Na Uy nằm trong số ít quốc gia dỡ bỏ toàn bộ quy định hạn chế trong nước.

Do quy định giãn cách xã hội được dỡ bỏ, các địa điểm văn hóa, thể thao và nhà hàng được hoạt động hết công suất thay vì chỉ một phần chỗ ngồi. Hộp đêm cũng được phép tái mở cửa. Khoảng 76% dân số Na Uy đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19, trong khi 67% đã tiêm đầy đủ, theo Viện Y tế Công cộng Na Uy. Tuy nhiên, những người nhiễm Covid-19 vẫn phải cách ly để tránh làm lây lan vi rút.

Tại Italy, Bộ Y tế Italy đã quyết định công nhận vắc xin Covishield của Ấn Độ và cho phép những người đã tiêm loại vắc xin này được xin cấp thẻ xanh Covid-19. Động thái có nghĩa rằng những người đã được tiêm vắc xin Covishield có thể vào Italy mà không phải chịu lệnh cấm nhập cảnh, mặc dù vẫn có thể phải tuân thủ các quy định như xét nghiệm hoặc cách ly.

Đến nay, Italy mới chỉ công nhận 4 loại vắc xin được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép là Vaxzevria (AstraZeneca), Comirnaty (Pfizer/BioNTech), Spikevax (Moderna), Janssen (Johnson & Johnson), đồng nghĩa với việc chỉ có những người tiêm 4 loại vắc xin này được coi là đã tiêm phòng Covid-19 khi nhập cảnh.

Tại Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chấp thuận chương trình cấp thị thực tạm thời cho 10.000 lao động nước ngoài nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt tài xế xe tải và công nhân chế biến thịt ở nước này.

Trước đó, Chính phủ Anh không đồng ý cấp thị thực tạm thời cho các tài xế nước ngoài, mặc dù nhu cầu trong nước lên tới 100.000 lao động trong ngành này. Trong khi đó, các quy định mới của Anh lại quá khó, khiến rất nhiều tài xế nước ngoài không thể đáp ứng điều kiện để được cấp thị thực làm việc chính thức.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đã khiến khoảng 20.000 lái xe nước ngoài ở Anh phải bỏ về nước, trong khi khoảng 50.000 lái xe trong nước ngừng làm việc trong suốt 18 tháng qua.

Tại Đông Nam Á, giới chức Singapore hôm 24/9 quyết định siết các biện pháp hạn chế một lần nữa, trong bối cảnh số ca nhiễm mới lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Quyết định này giúp giảm tốc độ tăng ca nhiễm và tránh tình trạng nhân viên y tế phải làm việc quá sức.

Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 27/9 tới 24/10, tối đa hai người được phép cùng dùng bữa tại nhà hàng, với điều kiện họ đã có thẻ xanh Covid. Quy mô các cuộc tụ họp xã hội cũng sẽ bị thu hẹp. Chế độ làm việc từ xa sẽ trở thành mặc định đối với doanh nghiệp. Những doanh nghiệp và người lao động không thể làm việc từ xa được khuyến cáo tự xét nghiệm hàng tuần.

Bình luận