Thế giới tuần qua
(VOH) - Tuần này, quyết định từ chức của ông Pervez Musharraf đã dưa cục diện chính trị tại Pakistan sang bước chuyển mới. Cựu Tổng thống Pervez Musharraf đã tuyên bố ông sẽ ở lại nước này sau khi từ chức để tránh bị luận tội tại quốc hội. Vẫn có nhiều lời đồn đoán rằng ông có thể rời Pakistan để tới tị nạn ở Ả Rập Xê Út, Mỹ, Anh, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này có thể xem xét đơn xin tị nạn của ông Musharraf, nhưng cho đến nay chưa nhận được đơn. Mặc dù tuyên bố sẽ ở lại Pakistan, nhưng nhiều người vẫn nghiêng về ý tưởng ông này sẽ sang tị nạn chính trị ở một nước khác, bởi với những ân óan trong thời gian cầm quyền, khó lòng ông Musharaf sẽ được an tòan sau khi rời chính trường.
Ủy ban bầu cử Pakistan cho biết, ngày bầu cử Tổng thống của nước này được ấn định vào 6/9 tới.
Trong một diễn biến mới nhất, đồng chủ tịch của đảng Nhân dân Pakistan PPP - đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền, phu quân của cố Thủ tướng Benazir Bhutto, ông Asif Ali Zardari đã được đảng này lựa chọn làm ứng cử viên cho chiếc ghế Tổng thống Pakistan.
Những diễn biến gần đây trong vụ tranh chấp các đảo ngòai khơi giữa Hàn quốc và Nhật Bản cũng như việc tăng cường lực lượng quân sự của Triều Tiên đã khiến tổng thống Hàn quốc lo ngại. Trong bài phát biểu với lực lượng Hải quân tuần qua, tổng thống Lee Myung Bak nói rằng nước ông cần có một quân đội hùng mạnh hơn để đối phó với các mối đe dọa từ nước ngoài. Ông nói: "Chỉ có một quân đội mạnh mới có thể ngăn chặn được sự xâm lăng từ bên ngoài và mới bảo vệ được cuộc sống và sự an toàn của nhân dân. Chỉ có một quân đội mạnh chúng ta mới có thể xây dựng được một đất nước hùng mạnh và giàu có để đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng của thế giới”.
Cuộc khủng hỏang quân sự ở Kavkas dường như vẫn còn chưa tìm được lối ra khi Hội đồng Bảo an LHQ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung sau khi Nga đệ trình dự thảo nghị quyết do mình soạn thảo. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an mà một bên là Nga và bên còn lại là các quốc gia phương Tây như Mỹ, Pháp, Anh... vẫn tiếp tục chia rẽ về hai dự thảo nghị quyết cho vấn đề hòa bình Grudia
Cuộc xung đột tại Grudia đang làm căng thẳng quan hệ Nga - Mỹ và làm phân hóa khối NATO trong cách ứng xử với đối tác Nga. Tạp chí Tấm gương của Đức nhận định “Cuộc chiến Grudia là cuộc khủng hoảng toàn cầu, hệ quả của những thất bại trong chính sách đối ngoại của Washington. Mỹ và NATO hy vọng hạ uy thế và làm giảm vai trò của Nga trên trường quốc tế. nhưng họ đã thất bại. Họ cũng đã không dành được thắng lợi nào trong âm mưu đánh lạc hướng dư luận thế giới về kế họach Đông Tiến của NATO và việc triển khai hệ thống phòng thử tên lửa đánh chặn ở Balan và CH Sec.
Cuộc chiến Nga - Georgia đã làm thay đổi cục diện địa - chính trị ở châu Âu và trên thế giới. Có thể nói đây là bước ngoặt về địa - chính trị lớn nhất thế giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Theo nhiều nhà bình luận chính trị, hệ quả của cục diện mới này tạo ra sự phân hóa và mâu thuẫn giữa châu Âu cũ và châu Âu mới về chính sách đối với Nga.
Mỹ dọa gạt bỏ Nga khỏi khóm G8, ngăn chặn Nga gia nhập WTO và chấm dứt hoạt động của Hội đồng Nga - NATO. Lập tức Nga đã có phản ứng cứng rắn bằng tuyên bố của Ngoại trưởng Sergei Lavrov rằng quyết định của hội nghị ngoại trưởng NATO là định kiến, không khách quan và quyết định tạm ngừng hợp tác với NATO. Sự cứng rắn của Nga là cần thiết và kịp thời vì như cựu đại sứ Mỹ tại Moscow James Collin từng cảnh báo: “Mỹ không thể sử dụng chính sách cây gậy và củ cà rốt với một nước lớn đang có vị thế tăng lên trên toàn cầu như nước Nga”.
Ở Iraq, Iraq và Mỹ đã gần đạt đến thỏa thuận rút quân Mỹ khỏi lãnh thổ Iraq sau chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice tới Baghdad vào hôm 21.8. Trả lời trong cuộc họp báo sau cuộc họp, bà Rice cho hay cả hai bên đã đạt được sự thống nhất về bản dự thảo thỏa thuận rút quân và đang chờ sự xem xét của Thủ tướng Nouri al-Malili và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Iraq cũng như quốc hội nước này.
Hương Nhu