Chờ...

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định vẫn mua tên lửa S-400 của Nga dù có bị trừng phạt

(VOH) - Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 17/12 khẳng định nước này sẽ không hủy giao dịch mua hệ thống S-400 của Nga, sau khi cân nhắc các biện pháp trừng phạt mà Mỹ sẽ áp dụng.

Trước đó vào thứ Hai ngày 14/12, Mỹ tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các bên gồm Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), người đứng đầu cơ quan này là Ismail Demir và ba nhân viên SSB liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nước này lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ là “sai lầm nghiêm trọng”, đồng thời cho biết sẽ cân nhắc các biện pháp đối xứng với chính quyền Washington.

Tổng thống Tayyip Erdogan ngày 16/12 cho biết việc Mỹ áp lệnh trừng phạt là “sự tấn công mang tính thù địch” đối với nền công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, và điều này chắc chắn sẽ thất bại. 

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hông hủy giao dịch mua tên lửa S-400 của Nga dù có bị trừng phạt
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik

Trong một cuộc phỏng vấn phát trên kênh truyền hình Kanal 24, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng nước ông không thể là đối tượng cho cái gọi là lệnh trừng phạt theo đạo luật CAATSA vì thương vụ mua S-400 của Nga đã diễn ra từ trước khi đạo luật CAATSA được ban hành, và các lệnh trừng phạt này là đòn tấn công vào chủ quyền của Thỗ Nhĩ Kỳ.

Đạo luật CAATSA là đạo luật được ban hành năm 2017, tên đầy đủ là Đạo luật Chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt, có nội dung nhằm ngăn chặn các nước thực hiện giao dịch mua vũ khí và các thiết bị quân sự từ đối thủ của NATO là Nga.

“Điều này không phù hợp không chỉ về mặt luật pháp quốc tế mà còn về mặt ngoại giao, là quyết định sai lầm của Mỹ cả về pháp lý và chính trị vì đang can thiệp vào quyền tự chủ của Thổ Nhĩ Kỳ.”, ông Cavusoglu nói. Ông cũng cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ không đạt được tác động nào đến Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đề xuất Mỹ có thể giải quyết mâu thuẫn theo cách thông thường qua con đường hợp tác và thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định thương vụ mua S-400 của Nga không phải là sự lựa chọn thông thường, mà là việc làm cần thiết, vì nước này không thể đạt được thỏa thuận thỏa đáng trong việc mua lại được hệ thống phòng thủ tên lửa từ bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào.

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hông hủy giao dịch mua tên lửa S-400 của Nga dù có bị trừng phạt
Hệ thống tên lửa S-400 đầu tiên của Nga bán cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được đưa đến Ankara ngày 12/07/2019. Ảnh: TURKISH DEFENCE MINISTRY

Phía Mỹ lâu nay đều cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 là mối đe dọa đối với các tiêm kích F-35 của Mỹ và hệ thống phòng thủ tầm xa của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ luôn phủ nhận điều này và khẳng định hệ thống S-400 sẽ không được tích hợp vào các chương trình của NATO.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ được ban hành trong thời điểm mối quan hệ giữa Washington và Ankara đang căng thẳng và nước Mỹ đang trong quá trình chuyển giao quyền lực, khi Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hông hủy giao dịch mua tên lửa S-400 của Nga dù có bị trừng phạt
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại một cuộc họp báo ở Ankara. Ảnh: Reuters

Khi được hỏi về mối quan hệ giữa hai nước có trở nên bình thường trở lại dưới thời Biden hay không, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết điều đó phụ thuộc vào việc Washington và Ankara có đạt được thống nhất về các chính sách ở Syria không, và việc Mỹ có đồng ý thực hiện dẫn độ một giáo sĩ mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là đã dàn dựng một âm mưu đảo chính vào năm 2016 hay không.

“Nếu Mỹ suy nghĩ sâu xa và mang tính chiến lược, họ rất cần Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ có thể nói vậy, nhưng họ cũng phải làm những việc để chứng minh điều đó”, ông Cavusoglu nói.

Bình luận