Chờ...

Thông điệp của Tổng thống Mỹ tại Hội nghị G7 có gì?

(VOH) - Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết, mục tiêu của Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay là hướng các nước đồng minh vì mục tiêu chung giải quyết các thách thức từ Trung Quốc...

Trên cương vị là Chủ tịch luân phiên của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), nước Anh sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh của nhóm - được tổ chức theo hình thức trực tuyến - vào ngày hôm nay 19/2. Đây là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo G7 kể từ tháng 4/2020 và đánh dấu sự tham gia lần đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tại một hội nghị quốc tế.

Quan điểm của Joe Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden, người vừa tuyên thệ nhậm chức chưa đầy một tháng, dự kiến sẽ dùng Hội nghị thượng đỉnh G7 như dịp tập hợp lại các đồng minh vì mục tiêu chung, kết thúc 4 năm nước Mỹ có phần “thu mình” và tạo ra nhiều mâu thuẫn với các đồng minh vì chính sách “Nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm Donald Trump.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, Joe Biden sẽ tham dự cùng các “phần quà” gồm gói ngân sách trị giá 4 tỷ USD mà Mỹ hỗ trợ cho nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu; đưa Mỹ trở lại Hiệp định khí hậu Paris và triển vọng về một gói kích thích kinh tế cho Mỹ và các nước trên thế giới trị giá lên đến đến 2 ngàn tỷ USD.

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ sẽ có cuộc gặp trực tuyến với lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản vào lúc 9 giờ sáng ngày 19/2 (giờ địa phương - tức 14 giờ theo giờ GMT), sau đó tham dự Hội nghị An ninh Munich lần thứ 57 cũng với hình thức trực tuyến. Ngoài ra, người đứng đầu các quốc gia G7 dự kiến sẽ có cuộc gặp trực tiếp - cũng do Anh chủ trì - vào mùa hè năm nay.

Thông điệp của Tổng thống Mỹ tại Hội nghị G7 có gì?
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Lầu Năm Góc tại quận Arlington, bang Virginia ngày 10/2/2021. Ảnh: Reuters

Theo quan chức cấp cao của chính quyền Biden, nội dung trọng tâm trong các bài phát biểu của Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay tập trung vào các vấn đề kêu gọi củng cố nền dân chủ trên thế giới và giải quyết các thách thức từ phía Trung Quốc và Nga.

Joe Biden cho rằng, nền dân chủ mới mang lại những điều tốt đẹp nhất cho thế giới ở thời đại ngày nay, tuy nhiên sau sự kiện Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Đồi Capitol bị tấn công vào ngày 6/1 vừa qua, thì nền dân chủ hiện nay đang trở nên vô cùng mong manh, cần sự bảo vệ và củng cố từ các quốc gia đồng minh.

Thách thức từ Nga và Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra quan điểm rằng, các nền kinh tế và các nhà nước dân chủ lớn trên thế giới phải cùng nhau hành động để giải quyết những thách thức từ những đối thủ là cường quốc như Nga và Trung Quốc, cũng như những thách thức phạm vi xuyên quốc gia về các vấn đề hạt nhân, biến đổi khí hậu và an ninh mạng.

Cũng theo quan chức Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ nói rõ hơn về những hành động can thiệp vào nền dân chủ ở Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới mà ông cho là do Nga thực hiện, đồng thời kêu gọi các nước đồng minh hãy giữ vững lập trường với chính quyền Washington.

Về các nhận định mang tính cáo buộc trên, từ trước đến nay Điện Kremlin từng nhiều lần lên tiếng phủ nhận.

Thông điệp của Tổng thống Mỹ tại Hội nghị G7 có gì?
Các nhà lãnh đạo G7 tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm tổ chức tại Biarritz, Pháp vào tháng 8/2019. Ảnh: AP

Về phía Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Joe Biden kêu gọi các quốc gia hãy cùng hợp tác để đẩy lùi các hoạt động và chính sách từ chính phủ Trung Quốc mà ông cho rằng là “lạm dụng nền kinh tế”“đi ngược lại các giá trị của chúng ta”.

Trên thực tế, hiện chính quyền Joe Biden đang tiến hành xem xét các chính sách của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, từ quân sự đến thương mại và cả các quyết định đối với đặc khu hành chính Hong Kong, vấn đề người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và cả cách xử lý của nước này đối với đại dịch Covid-19.

Quan chức Nhà Trắng cho biết thêm: “Ngài Tổng thống sẽ nói rõ trong bài phát biểu rằng ông ấy không tìm kiếm sự đối đầu, cũng không tìm kiếm một Chiến tranh Lạnh thế hệ mới, nhưng ông ấy mong đợi và hoan nghênh một sự cạnh tranh sôi nổi, quyết liệt.”

Về các thách thức từ chương trình hạt nhân Iran, chính sách của Joe Biden dự kiến sẽ tiếp tục nối lại các đàm phán ngoại giao, bất chấp các nỗ lực này trước đây đã từng bị bãi bỏ dưới thời Donald Trump.

Về vấn đề phát triển kinh tế trước mắt, Tổng thống Mỹ sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Chúng ta không sợ rằng đã làm quá nhiều, chỉ sợ rằng ta đã làm quá ít. Đây là kỷ nguyên của hành động và đầu tư, không dành cho việc “thắt lưng buộc bụng” và đó sẽ là phần quan trọng của thông điệp từ Mỹ”, quan chức Nhà Trắng nói thêm.

Bình luận