Chờ...

Thượng viện Mỹ phê chuẩn việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển

(VOH) - Ngày 3/8, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết đồng ý đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan và Thụy Điển.

Đây là sự mở rộng đáng kể nhất của NATO kể từ những năm 1990.

Theo hãng tin Reuters, nghị quyết trên được Thượng viện Mỹ thông qua với tỷ lệ 95 phiếu ủng hộ và 1 phiếu chống, tức hơn 2/3 số phiếu theo quy định.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde tại lễ ký kết nghị định thư ở Brussels ngày 5/7. (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde tại lễ ký kết nghị định thư ở Brussels ngày 5/7. (Ảnh: Reuters)

Thụy Điển và Phần Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5 nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Vào tháng trước, toàn bộ 30 quốc gia thành viên NATO đã ký nghị định thư về việc gia nhập liên minh với Phần Lan và Thụy Điển, đồng ý về nguyên tắc sẽ kết nạp 2 nước này vào liên minh. Nga đã nhiều lần cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển không nên gia nhập NATO.

Theo quy định của NATO, nghị định thư kết nạp thành viên cần được Quốc hội 30 nước thành viên phê chuẩn, khi đó Phần Lan và Thụy Điển mới có thể nhận được sự bảo vệ theo các điều khoản quốc phòng của NATO. Quá trình này có thể mất đến một năm. Hiện một số nước như Canada, Đức và Italia đã chính thức phê chuẩn nghị định thư.

Có 7 quốc gia gồm Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hungary, Bồ Đào Nha, Slovakia, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ chưa chính thức đồng ý việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển. Nhưng trên thực tế, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc gia nhập này vì cho rằng Phần Lan và Thụy Điển ủng hộ các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là "khủng bố" hiện diện trên lãnh thổ của họ như Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Tuy nhiên vào tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký với Phần Lan và Thụy Điển một bản ghi nhớ nhằm xác nhận sự đồng ý của nước này về việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển với điều kiện hai nước Bắc Âu phải dẫn độ hàng chục thành viên đối lập mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là "khủng bố".

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các thành viên một ủy ban đặc biệt sẽ gặp các quan chức Phần Lan và Thụy Điển vào tháng 8 để đánh giá xem liệu hai nước có tuân thủ các điều kiện mà nước này đưa ra hay không.

Bình luận