Chờ...

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia do Covid-19

(VOH) - Thượng viện Mỹ ngày 3/3 đã thông qua dự luật nhằm chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia do Covid-19.

Dự luật được thông qua với số phiếu 48 so với 47 phiếu.

Tất cả các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật S.J. Res.38, theo đó sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia do Covid-19, được ban bố vào ngày 13/3/2020 bởi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump.

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia do Covid-19 1

Anh chụp Tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 14/2/2022. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Trong khi đó, tất cả các đảng viên Dân chủ đã bỏ phiếu chống và tình trạng khẩn cấp quốc gia do Covid-19 đã được đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden gia hạn 2 lần.

Có 5 thượng nghị sĩ đã bỏ lỡ cơ hội bỏ phiếu, trong đó có 3 người thuộc đảng Dân chủ.

Dự luật trên được đưa ra bởi thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ tiểu bang Kansas, ông Roger Marshall. Ông cho biết: "Sau gần 2 năm sống trong tình trạng khẩn cấp, người dân Mỹ đã quá mệt mỏi, họ mong muốn được tự do hít thở, mong mỏi sự tự do do Chúa ban cho và mong các nhà lãnh đạo đứng về phía họ. Không còn nghi ngờ gì nữa, bây giờ là lúc đất nước chúng ta phải học cách sống chung với Covid-19".

Trong một phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, thượng nghị sĩ Marshall nói ông rất tự hào khi các đồng nghiệp của ông đã cùng nhau dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, mang lại một chiến thắng mang tính tượng trưng cho những người dân Mỹ, rằng tình trạng bình thường mới đang ở phía trước.

Ông cũng nói thêm rằng quyền lực của chính phủ là có giới hạn và các quyền hiến pháp vẫn là tối thượng.

Sau khi dự luật trên được thông qua tại Thượng viện, nó sẽ được chuyển tới Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát để tiến hành bỏ phiếu.

Trong thời kỳ xảy ra đại dịch, đảng Dân chủ thường ủng hộ các biện pháp hạn chế, trong khi đảng Cộng hòa thường ít ủng hộ việc làm này.

Ngày 3/3, Nhà Trắng cho biết ngay cả khi Hạ viện bỏ phiếu thông qua, Tổng thống Biden vẫn sẽ phủ quyết dự luật này.

Bình luận