Chờ...

Thụy Sĩ đóng cửa đại sứ quán tại Sudan, nhiều quốc gia sơ tán công dân thành công

VOH - Ngày 24/4, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ tuyên bố đóng cửa đại sứ quán ở Khartoum và sơ tán nhân viên cùng gia đình của họ vì lý do an ninh.

Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết trên Twitter: “Điều này có thể thực hiện được nhờ sự hợp tác với các đối tác của chúng tôi, đặc biệt là Pháp”. 

Canada hôm 23/4 cũng tuyên bố tạm ngừng các hoạt động ngoại giao tại Sudan, tuy nhiên các dịch vụ lãnh sự hạn chế vẫn tiếp tục. Các nhà ngoại giao Canada sẽ tạm thời hoạt động từ một địa điểm an toàn bên ngoài Sudan.

sudan, sơ tán
Công dân Jordan và những công dân nước khác đã được sơ tán khỏi Sudan ngày 24/4 - Ảnh: Reuters

Đọc thêm: Giao tranh tại Sudan, nhiều quốc gia thông báo sơ tán công dân

Nhiều nước đã thực hiện các chuyến "giải cứu" nhân viên đại sứ quán và công dân bị mắc kẹt tại Sudan.

Các lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ đã đưa gần 100 người – chủ yếu là nhân viên đại sứ quán cùng một số chuyên gia ngoại giao các quốc gia khác – đến nơi an toàn vào ngày 22/4, các quan chức Hoa Kỳ cho biết.

Công dân Hoa Kỳ ở Sudan được khuyên tham gia các đoàn xe sơ tán do UAE và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức vào 23/4 bởi chính phủ Hoa Kỳ không có kế hoạch sơ tán công dân của mình. Ước tính có khoảng 16.000 công dân Mỹ ở Sudan - hầu hết trong số họ là công dân song tịch.

Một số quốc gia đã thực hiện kế hoạch sơ tán thành công, bao gồm Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Jordan, Ý, Pháp, Đan Mạch và Đức. Một số đoàn xe của họ cũng chở công dân từ các quốc gia khác như Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Mexico, Palestine, Iraq và Syria.

Các nước Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Đức, Thụy Điển, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Libya, Ấn Độ, Nga, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc và Philippines đang lên kế hoạch sơ tán hoặc triển khai các hoạt động sơ tán công dân.

Việc sơ tán đã trở nên phức tạp bởi các cuộc đụng độ đang diễn ra. Các bên giao tranh – quân đội Sudan và một nhóm bán quân sự có tên Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đã đổ lỗi cho nhau sau vụ việc một đoàn xe sơ tán của Pháp bị bắn khi cố gắng rời khỏi Sudan, khiến một công dân Pháp bị thương.

Bộ Ngoại giao Cairo cho biết, một nhân viên của Đại sứ quán Ai Cập tại Sudan cũng bị bắn và bị thương trong quá trình sơ tán.

Trong khi đó, nhiều thường dân Sudan hiện vẫn mắc kẹt trong nhà với nguồn lương thực cạn kiệt, hoặc tuyệt vọng tìm cách chạy trốn bằng cách vượt biên giới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 420 người đã thiệt mạng và 3.700 người bị thương trong các cuộc giao tranh. Tình hình viện trợ nhân đạo đang xấu đi khi người dân không được tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhiều người bị mắc kẹt mà không có thức ăn hoặc nước uống.

Bình luận